Tóm tắt nội dung
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh thường rất hay mắc phải các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bởi hệ miễn dịch của trẻ khi đó còn non yếu tạo điều kiện để các vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập, cư trú trong cổ họng trẻ và gây ra nhiều loại bệnh về đường hô hấp mà chúng ta vẫn thường gặp như: Viêm họng, viêm phế quản, viêm Amidan, ho khan… Và hầu hết khi mắc phải các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp thì trong cổ họng trẻ sẽ xuất hiện rất nhiều đờm.
Đặc biệt, việc trẻ sơ sinh có đờm ở cổ họng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ và sinh hoạt thường ngày của trẻ, điều này còn gây nên tâm lý lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh vì không biết làm cách nào để giúp tiêu đờm ở cổ họng cho con.
Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và một số những biện pháp đơn giản giúp bố mẹ trị đờm ở cổ họng hiệu quả cho các bé sơ sinh!!
Nguyên nhân gây ra đờm ở cổ họng của trẻ sơ sinh
Đờm là chất tiết của đường hô hấp, bao gồm: chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ… và một số chất tiết khác được tống ra khỏi cơ thể từ đường hô hấp dưới, tức khí quản và phế quản.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất hiện đờm trong cổ họng ở trẻ sơ sinh là do ảnh hưởng từ các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: cảm cúm, cảm lạnh và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Đặc biệt, tình trạng xuất hiện đờm nhớt trong cổ họng ở trẻ sơ sinh thường xảy ra và kéo dài hơn so với người trưởng thành, nguyên nhân dẫn đến điều này là do trẻ sơ sinh còn rất nhỏ, hệ miễn dịch yếu, mũi và cổ họng các bé chưa đủ hoàn thiện để có thể xử lý các chất nhầy, đồng thời lực ho của trẻ không đủ mạnh nên không thể đẩy hết các chất nhầy, đờm nhớt ra khỏi cổ họng. Khi có quá nhiều đờm nhớt trong cổ họng của trẻ sơ sinh sẽ khiến các bé gặp khó khăn trong quá trình thở, bên cạnh đó đờm cũng có thể là nguyên nhân gây kích ứng khiến trẻ bị nôn trớ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
>>> Có thể bạn cẩn biết: Mẹo trị ho có đờm cho trẻ bằng dân gian hiệu quả nên áp dụng
Một số cách trị đờm ở cổ họng cho trẻ sơ sinh đơn giản, hiệu quả.
Vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh
Đây là một phương pháp đơn giản, bố mẹ nào cũng có thể dễ dàng thực hiện tại nhà, giúp nhanh chóng trị long đờm ở cổ họng cho con.
Thế nào là vỗ rung long đờm?
Vỗ rung long đờm là một phương pháp vật lý, sử dụng lực rung được hình thành từ quá trình khí tác động vào thành ngực khi được gõ, từ đó lực tác dụng sẽ giúp đẩy đờm nhớt, các chất nhầy ra khỏi cổ họng của trẻ. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng cho trẻ bị ho có đờm, không áp dụng cho trẻ bị ho khan.
Để vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh, bố mẹ cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đặt trẻ nằm nghiêng trên giường, không cho trẻ dùng gối và sử dụng một khăn bông mềm đệm phía dưới mông của trẻ.
- Bước 2: Bố mẹ khum năm ngón tay lại, lúc này bàn tay sẽ tạo thành một khoảng trống không khí, khi vỗ rung cho trẻ sẽ không khiến trẻ bị đau. Tiếp theo, bố mẹ dùng lực ở cổ tay và bàn tay vỗ lên vùng lưng của trẻ ở giữa cổ và phổi sao cho tiếng vỗ tạo thành tiếng “bộp bộp”, bố mẹ nên vỗ mạnh, đều tay và liên tục trong vòng 3-5 phút. Bố mẹ cũng lưu ý chỉ dùng lực ở cổ tay, không dùng lực ở cánh tay để tránh làm đau trẻ.
- Bước 3: Sau khi vỗ rung xong, bố mẹ hãy nâng bé dậy và bế trẻ trên tay, nhẹ nhàng dùng ngón tay day nhẹ phần cổ của trẻ nhằm kích thích phản xạ ho tự nhiên, giúp trẻ ho hết đờm ra ngoài và làm sạch cổ họng.
Hút mũi cho trẻ sơ sinh
Đây là một trong những phương pháp khá phổ biến mà bố mẹ thường hay thực hiện để giúp trẻ tiêu đờm ở cổ họng. Bố mẹ có thể sử dụng ống hút mũi để thực hiện hút mũi, tiêu đờm cho con, tuy nhiên cũng cần cân nhắc và thực hiện đúng cách nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ.
Dưới đây sẽ là các bước thực hiện hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống hút mũi giúp trị đờm ở cổ họng nhanh chóng, hiệu quả:
- Bước 1: Đặt mẹ nằm trên gối hoặc đặt bé nằm trong lòng mẹ, để đầu bé ở tư thế hơi ngửa về sau.
Trước khi thực hiện hút mũi, bố mẹ nên nhỏ một lượng nhỏ nước muối sinh lý vào mũi của trẻ, giúp làm ẩm và giãn lỏng các chất nhầy trong mũi và cổ họng trẻ.
- Bước 2: Bố mẹ bóp nhẹ vào phần tay cầm của ống hút, tiếp đó cẩn thận đưa ống hút vào sâu bên trong một bên mũi của bé, lưu ý thực hiện thật nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương cơ quan niêm mạc trong mũi của trẻ.
- Bước 3: Dùng ngón tay tỳ nhẹ lên cánh mũi còn lại của trẻ, từ từ thả ống hút ra. Dùng khăn sạch lau đầu ống hút và tiếp tục thực hiện tương tự với bên mũi còn lại của trẻ.
Hút mũi là một phương pháp giúp trị đờm ở cổ họng cho trẻ sơ sinh với cách thức thực hiện khá đơn giản. Tuy nhiên bố mẹ không nên lạm dụng phương pháp và thực hiện hút mũi cho trẻ quá nhiều lần trong ngày vì dụng cụ hút mũi rất có thể sẽ gây ra tình trạng kích ứng niêm mạc mũi khiến cho đờm nhớt và chất nhầy ứ đọng nhiều hơn.
Duy trì độ ẩm không khí trong phòng
Tất cả chúng ta đều cần đến không khí để thở, đặc biệt với trẻ nhỏ chất lượng không khí và môi trường xung quanh lại càng trở nên quan trọng hơn. Bởi không khí ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình trẻ hô hấp. Do đó cần đảm bảo chất lượng không khí trong phòng luôn sạch sẽ và duy trì độ ẩm ở mức độ phù hợp, lý tưởng sẽ góp phần tích cực trong việc làm ẩm đường thở ở trẻ sơ sinh.
Khi đường thở trong cổ họng trẻ được làm ẩm sẽ kích thích quá trình làm lỏng các đờm nhớt, chất nhầy có trong cổ họng, từ đó bé sẽ cảm thấy dễ chịu và thở dễ dàng hơn. Bố mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm cho trẻ hoặc chủ động duy trì mức nhiệt độ trong phòng sao cho độ ẩm không khí luôn ở mức phù hợp tạo điều kiện để bé nhanh chóng hình thành các phản xạ ho, giúp đưa các đờm nhớt và chất nhầy ra ngoài.
Bố mẹ nên để nhiệt độ trong phòng của trẻ khoảng 26-28 độ C, đây là mức nhiệt độ phù hợp nhằm duy trì độ ẩm không khí trong phòng. Không nên để nhiệt độ phòng lạnh dưới mức 26 độ C, tránh các luồng gió trực tiếp phả vào nơi trẻ nằm như gió quạt, gió điều hoà, gió trời vì các cơ quan trong hệ hô hấp của trẻ còn non yếu nên dễ bị nhiễm lạnh.
Theo:DS.Hương Giang