Tóm tắt nội dung
Mẹ sẽ có phương pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi hiểu đúng tiếng ho đờm, khò khè, nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh.
Nhận biết trẻ ho có đờm, khò khè bệnh lý
Trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi thường xuất hiện tiếng khò khè như có đờm vướng trong cổ họng. Đờm xuất hiện trong đường thở gây phản ứng viêm nhiễm và xung huyết, phù nề niêm mạc đường hô hấp, tăng tiết ra dịch nhầy. Khi ứ đọng đờm nhớt, cơ thể sinh ra phản ứng ho để tống đờm ra ngoài hoặc ra theo đường mũi gây chảy mũi nhiều:
Có 2 nguyên nhân chủ yếu gây ho có đờm, khò khè ở trẻ sơ sinh
- Trẻ bị viêm đường hô hấp: Các biểu hiện ho đờm chảy mũi do viêm mũi họng, viêm họng, viêm tiểu phế quản phổi, viêm phổi do virus, vi khuẩn… Trẻ càng nhỏ, hệ miễn dịch càng non nớt thì khả năng bị bệnh càng cao và xu hướng diễn biến nặng hơn.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị khò khè có đờm mà nhiều cha mẹ bỏ qua. Khi bé hay bị ọc sữa, dịch vị axit dạ dày lên cổ họng tích tụ gây phù nề niêm mạc, húng hắng ho và khụt khịt sâu trong mũi. Do đó, trẻ bị trào ngược dạ dày rất dễ bị viêm phổi tái đi tái lại.
Ở trẻ sơ sinh, khò khè, không ho, không khó thở, bú, ngủ bình thường thì thời gian sau sẽ tự khỏi. Với trẻ sơ sinh khò khè, ho có đờm kèm theo các triệu chứng bỏ bú, ngủ li bì hoặc khó thở, thở nhanh, thở rít, thở co rút lồng ngực… thường là triệu chứng của bệnh lý viêm đường hô hấp dưới, các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám ngay.
Trẻ bị khò khè ho có đờm dễ tái tái nhiều lần trong năm.
Cách giảm ho, tiêu đờm khò khè ở trẻ sơ sinh
Vệ sinh mũi đúng cách
Vệ sinh mũi sạch sẽ thông thoáng cho bé là bước đầu tiên cha mẹ cần làm khi con có dấu hiệu khò khè ho đờm kèm nghẹt mũi, sổ mũi. Bởi khi dịch mũi tích tụ chứa nhiều vi khuẩn không chỉ khiến bé khó chịu mà dịch mũi còn chảy vào cuống họng, gây ngứa và ho, bệnh tiến triển nặng hơn.
Cha mẹ không nên tự ý rửa mũi vì thực hiện sai cách có thể khiến bé bị viêm tai giữa hoặc sặc vào phổi. Để làm sạch mũi cho con đúng cách cần dùng nước muối sinh lý để làm loãng dịch mũi, thực hiện các bước:
– Bước 1: Đặt bé nằm nghiêng đầu sang một bên, nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào một bên mũi.
– Bước 2: Day nhẹ cánh mũi để làm mềm gỉ mũi và dùng dụng cụ hút sạch dịch nhầy mũi cho bé.
– Bước 3: Lặp lại động tác trên với mũi bên kia..
Vỗ rung long đờm cho trẻ
Phương pháp vỗ rung long đờm cũng được nhiều cha mẹ để giúp long đờm trong phổi và phế quản, bé cũng thở dễ chịu hơn.
Cách vỗ lưng long đờm cho trẻ như sau: Khum bàn tay và gập bàn tay ở chỗ cổ tay lại. Năm ngón tay sát vào nhau, ngón cái ép chặt vào ngón trỏ. Vỗ vào lưng trẻ từ trái sang phải, khoảng từ 3-5 phút. Vỗ vào vị trí phổi của trẻ, không vỗ vị trí dạ dày, xương sống. Tránh vỗ rung long đờm khi trẻ vừa ăn no có thể gây nôn trớ.
Cho bú hoặc uống nhiều nước
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, khi trẻ bị ho đờm khò khè mẹ cho bé bú tích cực hơn để làm loãng đờm, tăng cường hệ miễn dịch cho bé. Nếu trẻ bị ho đờm nôn trớ thì không nên cho ăn quá no trong một lần mà chia thành nhiều cữ trong ngày. Với em bé lớn hơn thì cho uống nhiều nước cũng giúp làm loãng đờm, dễ dàng xì mũi hoặc hút mũi.
Sử dụng siro hỗ trợ giảm ho
Theo chuyên gia nhi khoa, khi trẻ ho có đờm, uống thuốc giảm ho không kích thích phản ứng ho, gây ứ đờm trong đường thở lâu hơn. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên cho con uống siro ho cảm giúp tăng phản ứng ho tạm thời, tiêu đờm. Khi ho bé sẽ trớ ra đờm sẽ dễ chịu cổ họng hơn.
Các bậc phụ huynh có thể lựa chọn cho trẻ uống siro ho cảm thảo dược chứa dịch chiết từ quất, gừng, húng chanh… để làm ấm cơ thể, dịu họng, giảm ho, tiêu đờm nhanh. Các loại thảo dược này có tác dụng làm dịu cổ họng, giảm ho có đờm, sổ mũi, nâng cao sức đề kháng hô hấp cho trẻ.
Lan Phương