Khi thời tiết diễn biến thất thường cũng là lúc vi khuẩn trong không khí có điều kiện phát triển mạnh mẽ, nếu không giữ môi trường sống cho trẻ thoáng và sạch thì trẻ rất dễ bị mắc viêm phế quản. Cũng vì lẽ đó mà có rất nhiều mẹ thắc mắc rằng không biết trẻ bị viêm phế quản có nên tắm và nằm điều hòa không? …cũng như phải làm thế nào để trẻ có thể nhanh khỏi bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giải quyết những thắc mắc đó cho các mẹ.
1. Trẻ bị viêm phế quản có nên tắm không?
Trẻ bị viêm phế quản có nên tắm không là thắc mắc của rất nhiều bậc cha mẹ, vì nhiều bà mẹ thấy con ho, sổ mũi, sợ con nhiễm lạnh nên càng không tắm, tuy nhiên việc không tắm trẻ lại càng dễ nhiễm bệnh nặng hơn.
Đặc biệt đối với trẻ bị viêm đường hô hấp, việc vệ sinh và tắm rửa sạch sẽ cho trẻ là quan trọng. Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý không nên để trẻ bị nhiễm lạnh thêm, lúc đó bệnh tình sẽ trở nên nặng hơn. Sau đây là những lưu ý khi tắm cho trẻ bị viêm phế quản:
– Khi tắm cho trẻ phải chọn chỗ tắm kín gió.
– Tăng nhiệt độ phòng tắm bằng cách xả nước nóng ra sàn trước khi tắm làm cho nhiệt độ không khí cả phòng tăng lên.
– Nước tắm cho trẻ vừa đủ ấm.
– Thời gian tắm nhanh chỉ cần đủ sạch.
– Tắm lần lượt chứ không cởi hết quần áo trẻ ra tắm luôn vì trẻ chưa thể thích nghi với nhiệt độ của nước tắm ngay lập tức.
>>> Xem thêm: Phải làm gì khi bà bầu bị viêm phế quản?
2. Trẻ bị viêm phế quản có nên nằm điều hoà?
Một trong những thắc mắc phổ biến sau câu hỏi “trẻ bị viêm phế quản có nên tắm không” chính là trẻ bị viêm phế quản có nên nằm điều hòa hay không?
Vào mùa hè tiết trời oi bức, nhiều gia đình sợ trẻ nóng nên bật điều hòa cả ngày, tuy nhiên sử dụng điều hòa cũng phải đúng cách, nếu sử dụng không hợp lý sẽ khiến trẻ có thể mắc các bệnh về hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng,… trẻ có cơ địa thường bị hen suyễn. Bên cạnh đó, việc trẻ nằm lâu trong phòng có điều hoà sẽ khiến cơ thể trẻ dễ mất nước, khô da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công và gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Trẻ bị viêm phế quản nên hạn chế nằm điều hòa. Nếu muốn cho trẻ nằm trong phòng điều hòa an toàn, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Nhiều cha mẹ quá lạm dụng điều hòa đã để nhiệt độ chênh hơn nhiều so với ngoài trời, điều này không tốt cho trẻ nhỏ, cha mẹ nên chỉnh nhiệt độ điều hòa thích hợp nhất là thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 8 – 10 độ C, sự chênh lệch nhiệt độ càng ít thì càng tốt nếu trẻ càng nhỏ. Với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, nên chỉnh điều hòa từ 26 – 28 độ C, riêng đối với trẻ sơ sinh thì mức nhiệt độ hợp lý là 29 – 30 độ C.
– Cha mẹ lưu ý tuyệt đối không để trẻ ở trong phòng điều hòa quá 3 giờ liên tục. Khoảng 2 – 3 giờ, nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10 – 15 phút, cha mẹ cũng lưu ý mỗi khi ra ngoài, cần mở rộng cửa trước và cho trẻ đứng lại trong phòng ít nhất từ 3 đến 5 phút để cơ thể trẻ kịp thích ứng với môi trường xung quanh.
– Không cho trẻ vào ngay phòng điều hòa khi trẻ vừa ở trời nắng về hay khi trẻ vừa chạy nhảy và ra nhiều mồ hôi,… vì như vậy trẻ sẽ dễ bị sốc nhiệt, dễ bị ốm.
– Các mẹ lưu ý nên cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức và khi trẻ ở phòng điều hòa nhiều, để tránh hiện tượng mất nước làm suy giảm cơ chế bảo vệ tại chỗ vệ sinh đường thở.
– Điều hòa nên đặt ở trên cao, cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm, cũng không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay, tuyệt đối không để ở chế độ chạy thẳng một góc.
– Cha mẹ nên chọn cho trẻ những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt, co giãn, dễ chịu.
>>> Xem thêm: Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh : Ba mẹ không nên coi thường!
– Khi trẻ ngủ, mẹ hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh.
– Các mẹ lưu ý mỗi ngày, ít nhất phải 2 lần tắt điều hòa, mở hết các cửa, dùng quạt đuổi hết không khí tù đọng ra ngoài, kết hợp đón ánh nắng vào phòng càng nhiều càng tốt.
– Nên làm vệ sinh điều hòa định kỳ để không khí luồng gió từ điều hòa thổi ra không bị bụi bẩn kèm theo.
– Gia đình có trẻ nhỏ nên lưu ý hạn chế sử dụng thiết các bị phun ẩm, phun sương trong phòng vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc, virut gây bệnh phát triển và tác động xấu đến cơ thể.
Mẹ cũng lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phế quản. Những thực phẩm cần thiết cho trẻ bị viêm phế quản như sau:
– Trẻ em bị viêm phế quản thường dễ bị mất nước hơn so với những người bình thường, vì vậy mẹ hãy cho trẻ uống nhiều nước, uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể đào thải các độc tố khỏi cơ thể một cách dễ dàng hơn, giúp giảm tình trạng viêm, tình trạng khô họng của trẻ.
– Cho trẻ ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, bột mì, ngũ cốc; các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà.
– Chế độ ăn của trẻ nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể, các loại vitamin như vitamin C, E, A, có trong trái cây và rau xanh có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở phế quản, tình trạng khó thở của trẻ. Các loại hoa quả, rau xanh giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt tốt cho trẻ viêm phế quản được bác sĩ khuyên dùng như: dâu tây, các loại quả mọng, bông cải xanh, rau bina và cà rốt.
– Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi, và protein, đây cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể của trẻ. Trẻ viêm phế quản nên tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa, tuy nhiên các sản phẩm sữa đó phải có hàm lượng chất béo thấp. Trong trường hợp này sữa chua là một lựa chọn tuyệt vời.
Hy vọng bài viết cung cấp cho cha mẹ những kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc trẻ bị viêm phế quản, giúp trẻ có sức khỏe tốt và phát triển toàn diện sau này. Thông qua bài viết này, các mẹ chắc chắn đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc trẻ bị viêm phế quản có nên tắm không cũng như có nên cho trẻ nằm điều hòa hay không và cách nằm điều hòa cho trẻ an toàn, đúng cách.
DS Thu Hiền