Tóm tắt nội dung
Với thời tiết Việt Nam trong thời gian gần đây thì người lớn khỏe mạnh cũng có thể bị ốm bất cứ lúc nào, chứ chưa nói gì đến trẻ nhỏ. Khi trẻ bị ốm thường kéo theo sốt, làm cha mẹ phải thức cả đêm canh trẻ thôi. Vậy nên cho trẻ ăn gì khi bị sốt để chóng khỏi nhỉ? Các bậc cha mẹ hãy tham khảo các món ăn hạ sốt hữu hiệu cho bé dưới đây nhé.
1. Biểu hiện trẻ bị sốt
Khi sốt, trẻ thường có các biểu hiện như: Người nóng hay rét run, vã mồ hôi, khát nước, da đỏ, nóng, ẩm, trẻ không chơi… ở tình trạng nặng hơn có thể xuất hiện chân tay lạnh, tím môi, tím đầu ngón chân ngón tay, li bì hay vật vã, co giật…
Để biết chính xác trẻ có bị sốt hay không nên đo nhiệt độ cho trẻ. Có thể đo ở nhiều vị trí như: nách, miệng, hậu môn. Nhiệt độ bình thường là khoảng 37 độ. Khi đo nhiệt độ ở nách thấy nhiệt độ tăng từ 37,5 độ trở lên thì gọi là sốt. Dựa vào nhiệt độ đo được ở nách có thể phân độ sốt thành: sốt nhẹ (37,5 – 38 độ), sốt vừa (38 – 39 độ), sốt cao (từ 39 độ trở lên).
Sốt ở trẻ có thể do các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virut gây ra viêm phổi, viêm họng, viêm tai, sốt phát ban, sốt xuất huyết, sốt do sởi, sốt do viêm não, màng não, sốt do lao, sốt virut…. Ngoài ra sốt ở trẻ còn gặp ở trẻ tiêm chủng, sốt do cảm nắng, sốt do mọc răng, thay răng, sốt do mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp quá nhiều chăn…. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức chú ý đến thay đổi về sức khỏe của trẻ để phát hiện sớm.
2. Nên cho trẻ ăn gì khi bị sốt là tốt nhất?
Khi trẻ bị sốt, không chỉ khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, buồn ngủ mà còn khiến cho hoạt động ăn uống của trẻ bị giảm sút. Vì vậy cha mẹ cần lựa chọn những loại thực phẩm, cách chế biến phù hợp để trẻ dễ ăn, dễ hấp thu.
– Đối với trẻ bú mẹ: Cần cho trẻ bú mẹ nhiều lần, cho bú theo nhu cầu của trẻ, bất cứ khi nào trẻ muốn. Không được ép trẻ bú nhiều, đúng bữa làm trẻ quấy khóc dễ bị sặc khi bú.
– Đối với trẻ lớn: Cho trẻ ăn như bình thường, chia làm nhiều bữa nhỏ. Có thể thêm vào bữa ăn cho trẻ những món mà trẻ thích và có lợi cho sức khỏe. Nên chế biến thức ăn loãng, dễ ăn, dễ tiêu.
Một vài thực phẩm nên cho trẻ ăn khi sốt như:
– Nước: khi sốt trẻ mất nhiều nước qua mồ hôi, qua nhịp thở… cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại, giúp trẻ không bị kiệt sức, các độc tố trong cơ thể cũng được đào thải ra ngoài nhanh hơn và dễ dàng hơn.
– Nước trái cây và sinh tố: Các loại trái cây như cam, chanh, xoài, dâu, chuối… là lựa chọn ưu tiên cho trẻ uống trong thời gian trẻ bị sốt. Hãy chịu khó cho trẻ ăn trái cây vì nó vừa cung cấp thêm vitamin cho cơ thể, vừa giúp giảm sốt, bù đắp lại các chất điện giải đã bị mất. Nếu trẻ không muốn ăn hoặc không ăn được bạn có thể xay sinh tố hoặc ép thành nước hoa quả để trẻ dễ uống hơn.
– Các loại thức ăn lỏng: Cháo, soup, bún, phở, đồ ăn loãng dễ nuốt được nấu cùng với thịt gà, thịt heo, thịt bò, rau xanh… sẽ góp phần giúp bạn bổ sung được dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trẻ để tăng cường sức khỏe chống lại bệnh tật.
– Ăn nhiều các loại rau xanh: Những thực phẩm như rau cải, rau mồng tơi, rau rền,rau ngót, cà chua…. Có thể luộc hoặc nấu canh hoặc nấu với cháo, soup đều cung cấp các vitamin, chất xơ, chất khoáng cần thiết để giúp giảm sốt, tăng sức đề kháng cho trẻ.
– Nước dừa: Cung cấp chất điện giải, vitamin C, kali tốt cho sức khỏe của trẻ.
– Cho trẻ ăn sữa chua: Sữa chua cũng là một món ăn có lợi cho trẻ khi bị sốt. Sữa chua bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, tiêu hóa tốt hơn, sớm bình phục. Lưu ý: Không cho trẻ ăn sữa chua để lạnh hay đông đá.
– Bổ sung bột yến mạch vào các bữa phụ, yến mạch rất giàu protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.
– Có thể cho trẻ uống nước gừng: Giúp hạ sốt và trẻ tỉnh táo hơn.
Mời bạn xem thêm:
>>Chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi bị sốt
>>Chăm sóc trẻ bị sốt khi trời lạnh, Những điều mẹ cần chú ý
3. Không nên cho trẻ ăn gì khi bị sốt?
Bên cạnh việc bổ sung những chất cần thiết cho trẻ thì cha mẹ cũng cần chú ý tránh những món ăn có hại đến sức khỏe của trẻ.
– Nước đá, nước lạnh: Khi bị sốt, nếu cho trẻ uống quá nhiều nước lạnh nhiệt độ của cơ thể sẽ không giảm mà còn sốt cao hơn. Đặc biệt trong trường hợp bị sốt do bệnh truyền nhiễm chức năng của đường tiêu hóa bị giảm sút thì việc uống nước quá lạnh cũng sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.
– Món xào, món rán nhiều dầu mỡ: Các mẹ cũng không nên làm những món chiên, xào cho bé ăn khi bé sốt. Bởi những món ăn này khiến bé khó hấp thu và thậm chí còn gây rối loạn tiêu hóa.
– Các gia vị cay nóng: Khi nấu bữa cho bé trong thời gian bé sốt, mẹ cần tránh hoặc hạn chế cho các gia vị như tỏi, ớt, hạt tiêu… bởi chúng làm tăng nhiệt lượng trong cơ thể, làm bé sốt cao hơn.
– Mật ong: Mật ong là một loại thuốc bổ cho cơ thể, tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều mật ong khi bị sốt rất dễ đến cơ thể bị tăng thêm nhiệt độ.
Các mẹ không nên quá kiêng trong việc ăn uống của trẻ, sẽ dẫn đến việc trẻ bị thiếu chất. Vì vậy mỗi bậc cha mẹ đều nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nên cho trẻ ăn gì khi bị sốt để bảo vệ tốt sức khỏe của trẻ.