Tóm tắt nội dung
Ho là một trong những triệu chứng hay gặp và dễ tái phát nhất ở trẻ em. Vì vậy, chữa ho cũng như phòng ngừa ho trẻ em luôn là quan tâm hàng đầu của không ít cha mẹ. Mời bạn đọc bài viết dưới đây để biết cách trị ho hiệu quả cho trẻ mà không gây các tác dụng phụ hay ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của con.
1. Vì sao trẻ dễ bị ho?
Do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, trẻ dễ bị nhiễm và lây các bệnh do virus, vi khuẩn gây triệu chứng ho như cảm cúm, cảm lạnh…
Khi trẻ thở bằng miệng (do hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện hoặc trẻ gặp vấn đề gì đó về sức khỏe), không khí không đi qua mũi để được sưởi ấm và lọc sạch. Khi đó, các yếu tố gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào mũi, miệng, họng và đi xuống thanh quản, phế quản, phổi… Vì thế trẻ dễ bị ho và viêm nhiễm hô hấp.
2. Những nguyên nhân khiến trẻ bị ho
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể, giúp bảo vệ đường hô hấp. Đó là động tác thở ra nhanh và mạnh nhằm loại bỏ chất gây kích ứng hoặc dị vật trong đường thở. Thực chất, ho không phải bệnh lý, mà là biểu hiện khi trẻ gặp một số vấn đề sau:
Trẻ ho do cảm cúm, cảm lạnh…
Đây là nguyên nhân hay gặp nhất khiến trẻ ho. Nếu bị cảm lạnh, trẻ thường ho nhẹ đến vừa. Còn khi cảm cúm, bé thường ho khan, kèm sốt. Trong trường hợp bị viêm thanh khí phế quản, trẻ thường ho vào đêm và thở phát tiếng to.
Trẻ ho do trào ngược dạ dày
Ngoài ho, trẻ thường có thêm các triệu chứng như nôn, ợ nóng, hơi thở có mùi khó chịu. Bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn cho con và hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm dễ kích ứng ho (bánh kẹo, đồ chiên rán hay nhiều gia vị, nước có ga, chocolate, bạc hà, thực phẩm giàu chất béo, nhiều gia vị, đồ chiên rán, nước có ga…).
Trẻ ho do hen suyễn
Có thể nghĩ tới tình trạng này nếu trẻ hay ho kèm thở khò khè, thường nặng hơn vào ban đêm hoặc khi hoạt động thể chất nhiều. Cha mẹ cần tránh cho con tiếp xúc với các yếu tố kích thích như bụi, khói, nước hoa… và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Trẻ ho do mắc bệnh dị ứng, viêm xoang
Nếu trẻ ho kéo dài, kèm ngứa, chảy nước mũi và mắt, đau họng thì cha mẹ nên đưa đi khám để làm các xét nghiệm tìm ra chất gây dị ứng (thức ăn, phấn hoa, lông thú vật, bụi…) và được tư vấn phòng bệnh, điều trị phù hợp.
Ho gà
Đây là bệnh dễ lây qua đường hô hấp và có thể phòng bằng vắc xin. Trẻ ho liên tục, có tiếng rít khi trẻ thở, kèm sổ mũi, sốt nhẹ. Bệnh cần được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài các nguyên nhân trên, trẻ cũng có thể có ho do thói quen sau ốm, do hít phải dị vật (thức ăn, đồ chơi nhỏ), hoặc sau khi tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc lá, khói ôtô, xe máy…
3. Cần can thiệp giúp trẻ giảm ho như thế nào?
Mặc dù ho không phải bệnh nhưng nếu để con ho lâu, trẻ sẽ mệt mỏi, thậm chí nôn ói, mất ngủ, gây suy kiệt cơ thể và giảm khả năng miễn dịch. Tình trạng này dẫn tới việc trẻ dễ tái phát bệnh, bị bội nhiễm, viêm nhiễm nặng hơn.
Tuy nhiên, việc quá nóng vội giảm ho cho trẻ bằng thuốc Tây, kháng sinh vừa không mang lại hiệu quả, vừa tiềm ẩn các nguy cơ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chỉ có 15% số bệnh nhân có triệu chứng ho là do nhiễm khuẩn và cần dùng kháng sinh, còn lại 85% trường hợp ho là do virus hoặc các nguyên nhân khác, nên kháng sinh không có tác dụng.
Không những thế, theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp nhiễm khuẩn do virus, không có chỉ định dùng kháng sinh, nếu dùng có thể gây ra các tác dụng phụ. Thông thường, không cần dùng thuốc Tây, bệnh cũng sẽ khỏi sau 7-10 ngày và đây cũng là cơ hội tốt để cơ thể tự rèn luyện hệ miễn dịch.
Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để trị ho có thể làm thay đổi quần thể vi khuẩn trong ruột, làm suy giảm miễn dịch, gây di ứng, sốc phản vệ, suy gan, thận…
Bác sĩ Dũng cho rằng, khi thấy trẻ ho, cha mẹ không nên vội vã dùng thuốc Tây, kháng sinh. Thay vì vậy, hãy vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bé bằng nước muối sinh lý, đảm bảo dinh dưỡng cho con với các món dễ nuốt, dễ tiêu, cho bé ngủ đủ, uống đủ nước… Phụ huynh cũng có thể tự thực hiện một số bài thuốc từ thảo dược để giúp con giảm ho mà không gây tác dụng phụ.
Dưới đây là 8 Cách trị ho cho trẻ không cần dùng thuốc hiệu quả, đơn giản:
3.1. Trị ho cho trẻ bằng rau diếp cá
Rau diếp cá là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên trị ho cho bé rất hiệu quả. Diếp cá có tác dụng kháng viêm trực tiếp trên họng và amidan. Trong thời gian bé uống rau diếp cá, các mẹ có thể thấy con đi ngoài hơi nát. Đó là điều hoàn toàn bình thường.
3.2. Trị ho cho trẻ bằng Lá húng chanh
Húng chanh còn gọi là rau tần dày lá, rau thơm lông, có vị cay, tính ấm. Trong lá húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa viêm họng ,trị ho cho bé.
Giáo sư Đỗ Tất Lợi viết trong cuốn “Cây Thuốc và Vị thuốc Việt Nam”: “Lá húng chanh có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, phát tán phong hàn, thoái nhiệt, tiêu độc có tác dụng giải cảm, chữa ho, chữa cảm cúm, sốt không ra mồ hôi được”…
Một số công trình khoa học cũng khẳng định, hoạt chất Colein và tinh dầu trong húng chanh có tính kháng sinh, tiêu diệt một số vi khuẩn tại miệng, họng, giúp bảo vệ niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Các bài thuốc từ húng chanh như húng chanh hấp đường phèn, húng chanh chưng tắc, mật ong… có tác dụng giúp trẻ giảm ho, giải cảm, tiêu đờm và tăng cường sức đề kháng của hệ hô hấp.
3.3. Trị ho cho trẻ bằng Lá hẹ
Hẹ là một vị thuốc dân gian. Lá hẹ có tác dụng bổ can thận, làm ấm lưng gối; dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, đái són, di mộng tinh, đặc biệt dùng lá hẹ để trị ho cho trẻ rất hiệu quả.
3.4. Trị ho cho trẻ bằng Lá xương sông
Lá xương sông không chỉ được dùng như một loại gia vị làm tăng thêm sự hấp dẫn cho các món ăn mà còn là một vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Ngoài tác dụng chữa đầy bụng, nôn mửa, tan ứ máu đọng, lá xương sông còn có tác dụng trị viêm họng và ho do cảm lạnh hoặc ho có đờm ở trẻ.
3.5. Trị ho cho trẻ bằng cải cúc
Theo quan niệm Đông y, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, thường dùng để nấu canh, nhúng lẩu, đồng thời là vị thuốc chữa ho cho bé hiệu quả. Nếu ho lâu ngày, chỉ cần dùng thường xuyên món canh cải cúc như: cải cúc nấu thịt nạc, nấu cá thát lát… Nhưng riêng với trẻ em, muốn trị được ho các mẹ cần phải bỏ ra một chút thời gian để chế biến. Lá cải cúc rửa sạch, thái nhỏ sau đó thêm một ít mật ong vào và hấp cách thủy trong vòng khoảng 20 phút cho ra nước rồi cho bé uống. Nên cho bé uống khoảng từ 3 – 5 ngày.
3.6. Trị ho cho trẻ bằng tía tô
Với giá trị dinh dưỡng khá cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P, loại cây này không những có thể dùng để chế biến các món ăn ngon miệng mà có tính năng chữa bệnh khá cao. Từ thân lá, cành đến hạt của tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai.
Các công dụng của tía tô thường được biết đến là: trị cảm lạnh, nôn mửa, cảm sốt, sốt rét, nhức đầu, lợi tiểu, ra mồ hôi, bụng trướng, táo bón, dị ứng, trúng độc, đau khớp xương…
3.7. Trị ho cho trẻ bằng quả quất
Theo cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc” của nhóm các chuyên gia, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, quả Quất (tắc) có vị chua, hơi ngọt, mùi thơm, tính ôn, có tác dụng chỉ khát giảm ho. Quất chứa nhiều vitamin C, protein, tinh dầu (α-pinen, limonen, β-pinen…) và các nguyên tố vi lượng như Fe, Cu. Từ xa xưa, quất được sử dụng trong các bài thuốc chữa ho, đặc biệt là ho lâu ngày không khỏi. Bài thuốc đơn giản nhất dân gian thường dùng để trị ho, viêm họng là ngâm quất với đường, muối hoặc chưng quất với mật ong.
3.8. Trị ho cho trẻ bằng Siro thảo dược
Hiện nay, Y học phát triển, những thành tựu của Y học cổ truyền, dân gian ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có bằng chứng khoa học rõ ràng. Những bài thuốc nói trên được bào chế, sản xuất thành sản phẩm hỗ trợ giảm ho trên quy mô lớn, đạt chuẩn quốc tế, các mẹ hoàn toàn có thể yên tâm tin dùng.
Trên đây là 8 Cách trị ho cho trẻ không cần dùng thuốc hiệu quả, nguyên liệu dễ kiếm mà cách chế biến cũng đơn giản. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần lưu ý lựa chọn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sạch, không chứa dư lượng thuốc trừ sâu, chất kích thích hay hóa chất bảo quản để có bài thuốc dân gian trị ho, sổ mũi cho con.
Dược sĩ Nguyễn Thị Hiền