Tóm tắt nội dung
Giai đoạn sơ sinh luôn là thời điểm trẻ cần được chăm sóc đặc biệt, vì sức khỏe cũng như hệ miễn dịch của trẻ lúc này còn non yếu và chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc phải các loại bệnh, nhất là các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Trong đó tịt mũi là hiện tượng phổ biến thường gặp nhất ở các bé sơ sinh. Tịt mũi có thể tự chữa lành và tự khỏi, tuy nhiên bố mẹ vẫn nên lưu tâm việc điều trị tịt mũi cho con để đảm bảo sức khoẻ và sự phát triển tốt nhất của bé, giúp con mau lớn, khỏe mạnh và thông minh.
Dưới đây là một số những bí quyết về chữa trị tịt mũi đơn giản, hiệu quả cho trẻ sơ sinh.
1. Tịt mũi ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ sơ sinh?
Tịt mũi hay nghẹt mũi là một bệnh lý tự nhiên thường xuất hiện theo mùa, do sự thay đổi của các nhân tố thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường. Khi những nhân tố nói trên có sự thay đổi đột ngột sẽ tạo điều kiện thích hợp cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bé dẫn tới hiện tượng tịt mũi.
Tuỳ vào tình trạng tịt mũi nặng hay nhẹ mà mức độ ảnh hưởng tới cơ thể trẻ sơ sinh cũng sẽ khác nhau:
– Tịt mũi xảy ra khi trong khoang mũi của bé xuất hiện các đờm nhớt, dịch nhầy, bịt kín khoang mũi dẫn đến việc vận chuyển và lưu thông khí bị chậm lại gây ra khó khăn trong quá trình bé thở.
– Khi tịt mũi trẻ không thể thở bằng mũi mà phải thở bằng miệng nên sẽ gây trở ngại cho bé trong ăn uống.
– Tịt mũi còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ vì việc thở khó khăn, bé thường sẽ phát ra những âm thanh khò khè trong khi ngủ.
– Nếu tình trạng tịt mũi kéo dài và chuyển nặng sẽ dẫn đến hiện tượng trẻ bị mắc các bệnh lý nghiêm trọng, khó điều trị dứt điểm như: Viêm xoang, viêm mũi, tai mũi họng là ba cơ quan có mối liên hệ trực tiếp với nhau nên khi tịt mũi kéo dài cũng sẽ tác động đồng thời tới tai và họng…
– Trẻ sơ sinh thường xuyên bị tịt mũi sẽ khiến hiệu suất dẫn truyền oxi từ mũi lên não bị thiếu hụt, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng xấu tới khả năng phản xạ, linh hoạt cũng như sự phát triển của bé sau này.
>>> Có thể bạn quan tâm: Cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà hiệu quả
2. Một số bí quyết trị tịt mũi cho trẻ sơ sinh mà bố mẹ nào cũng nên biết
Để đảm bảo quá trình phát triển của con diễn ra một cách bình thường và hoàn thiện nhất, việc trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ là điều vô cùng quan trọng mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng cần quan tâm.
Với trẻ sơ sinh, khi bé tịt mũi, nghẹt mũi bố mẹ nên sử dụng những phương pháp nào là an toàn, phù hợp và đem lại hiệu quả nhanh cho con, dưới đây là một số những bí quyết trị tịt mũi hữu hiệu và đơn giản, dễ dàng thực hiện ngay tại nhà theo các chuyên gia.
2.1 Sử dụng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế nhiều loại vi khuẩn tồn tại trong khoang mũi và vùng họng của bé, giúp long đờm, loại bỏ dịch đờm, giúp bé thở dễ dàng hơn. Hằng ngày mẹ hãy vệ sinh mũi của bé bằng nước muối sinh lý theo cách thức đơn giản sau:
– Đặt bé ở tư thế nằm nghiêng một bên. Từ từ nhỏ vào mũi bé khoảng 1-2 giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi. Chú ý nhỏ lượng nước vừa phải và thực hiện nhẹ nhàng.
– Sau 5-7 phút khi dịch nhầy đã loãng, mẹ dùng tăm bông và cẩn thận lấy dịch nhầy ra ngoài từ mũi bé.
2.2 Kết hợp tinh dầu bạc hà vào nước tắm của bé
Tinh dầu bạc hà chứa thành phần menthol với công dụng làm sạch và thông thoáng đường thở, giảm thiểu tối đa các kích thích ở niêm mạc hô hấp từ đó làm giảm triệu chứng tịt mũi ở các bé sơ sinh. Mẹ có thể áp dụng phương pháp này khi bé bị tịt mũi bằng cách nhỏ khoảng 3-4 giọt tinh dầu bạc hà vào trong chậu nước tắm, khua tay để dầu trải đều ra trên chậu nước, sau đó dùng khăn bông sạch tắm cho bé như bình thường. Bên cạnh việc điều trị tịt mũi, tinh dầu bạc hà còn góp phần giảm ngứa, phát ban, mẩn đỏ hiệu quả ở trẻ sơ sinh.
2.3 Sử dụng tinh dầu tràm, khuynh diệp
Khi con bị tịt mũi, mẹ có thể sử dụng tinh dầu tràm và tinh dầu khuynh diệp nhằm hỗ trợ điều trị cho bé. Hai loại dầu này được chiết xuất từ thành phần cây tràm, cây khuynh diệp tự nhiên với mùi thơm nhẹ dịu nên đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng.
Mẹ có thể dùng một trong hai loại tinh dầu trên nhỏ vào lòng bàn tay và thoa đều lên vùng cổ, vùng lưng và lòng bàn chân của bé. Tinh chất của dầu tràm, dầu khuynh diệp sẽ giữ ấm cơ thể và làm thông thoáng đường thở, giúp bé thở dễ dàng hơn.
2.4 Dùng nước ấm để ngâm chân
Từ xa xưa, dùng nước ấm để ngâm chân được coi là một bí quyết trị tịt mũi cho trẻ sơ sinh. Khi ngâm chân với nước ấm sẽ giúp tán phong hàn, tăng cường khả năng hô hấp và quá trình dẫn lưu dịch tiết, từ đó làm thuyên giảm triệu chứng tịt mũi. Mẹ có thể pha một chậu nhỏ nước ấm và cho bé ngâm chân vào 2 buổi sáng/ tối nhằm nhanh chóng cải thiện tình trạng tịt mũi.
2.5 Thường xuyên lấy gỉ mũi ra khỏi mũi bé
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tịt mũi là sự cản trở của các dịch nhầy, đờm nhớt tích tụ ở bên trong khoang mũi. Do đó việc thường xuyên lấy gỉ mũi ra khỏi mũi bé là việc làm cần thiết giúp khoang mũi được vệ sinh sạch sẽ, làm thông thoáng đường dẫn khí. Mẹ chỉ cần dùng một miếng bông nhỏ, thấm ẩm với nước muối sinh lý và cẩn thận lau sạch hai bên mũi cho bé.
Trên đây là bí quyết trị tịt mũi cho trẻ sơ sinh cha mẹ nào cũng nên biết để áp dụng cho con. Bố mẹ nên áp dụng ngay khi bé mới bị tịt mũi nhé. Chúc bạn thành công!
DS.Vân Anh