Tại sao trẻ em hay bị viêm họng và cách phòng tránh?

Khi bị viêm họng, trẻ sơ sinh thường quấy khóc, bỏ bú, bé đã ăn dặm thì bỏ bữa khiến không ít bố mẹ nhầm tưởng con đang mọc răng. Trẻ em bị viêm họng hoàn toàn có thể chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần theo dõi liên tục vì bệnh có thể diễn biến rất nhanh.

Bài viết này sẽ chia sẻ những dấu hiệu cần đưa trẻ bị viêm họng đi khám và cách phòng, xử trí bệnh viêm họng cho trẻ hiệu quả.

1. Dấu hiệu trẻ bị viêm họng

Một số dấu hiệu để nhận biết trẻ viêm họng:

  • Chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đau họng, ho. Lúc đầu ho khan, sau ho có đờm.
  • Biểu hiện ban đầu của viêm họng cấp ở trẻ là ho khan.
  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao có thể lên đến 39 – 40 độ C.
  • Trẻ quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ và thường thở bằng miệng do ngạt mũi.
  • Nôn, đi ngoài phân lỏng.

Trẻ viêm họng sốt bao lâu thì cần đưa đi viện?

Khi trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày không khỏi kèm theo một trong các triệu chứng sau thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám:

  • Sốt cao liên tục, dùng thuốc và chườm ấm không hiệu quả, có thể bị co giật.
  • Trẻ ho nhiều, khó thở, thở gấp. Trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường, đôi khi bị co rút lồng ngực, chảy mủ tai.
  • Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
  • Bệnh không cải thiện sau 2 ngày điều trị.

Trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày không đỡ nếu không được điều trị thì bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm hạch mủ, viêm khớp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp (nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A – S.pyogenes) và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết.

2. Những nguyên nhân khiến trẻ bị viêm họng 

Viêm họng là viêm lan tỏa vùng hầu họng. Viêm họng cấp có thể là do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng. Nhưng hầu hết các trường hợp là do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn). Trong đó đa phần các trường hợp là do virus gây ra.

  • Viêm họng do cảm cúm (Virus). Thường trẻ kèm thêm các dấu hiệu như sổ mũi, ho, đau mỏi cơ thể, quấy khóc…
  • Viêm họng do vi khuẩn: Để xác định tình trạng này, bác sĩ thường cho xét nghiệm đặc hiệu. Tuy nhiên, thường gặp là liên cầu khuẩn. Liên cầu khuẩn gây viêm amidan mủ, sốt cao, hạch sưng to. Ngoài ra, còn có vi khuẩn bạch hầu gây viêm họng. Đây là tình trạng rất nguy hiểm  vì có thể tạo ra các giả mạc trắng làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp cho trẻ. Trong một thời gian dài bệnh bạch hầu đã bị đẩy lùi nhưng gần đây có xu hướng tăng lên vì không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
  • Do môi trường sống: Các yếu tố như khói thuốc lá, khói than tổ ong, bụi bẩn, không khí ô nhiễm, lông chó mèo, phấn hoa… đều có thể kích thích tình trạng viêm mũi dị ứng, viêm họng do kích ứng… ở trẻ.

Tại sao trẻ em hay bị viêm họng? Dấu hiệu +cách phòng tránh

3. Cách chăm sóc trẻ viêm họng cấp tính

3.1. Vệ sinh mũi họng

– Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì cha mẹ có thể lau rửa mũi cho bé bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì phụ huynh nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm vào làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.

– Nếu dịch mũi trẻ quá nhiều và đặc, cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh không nên lạm dụng phương pháp hút mũi vì cách này có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Đặc biệt, người lớn tuyệt đối không dùng miệng trực tiếp hút mũi, dãi cho trẻ.

Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi cho bé rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Cha mẹ không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ nếu không thay khăn mới mà vẫn dùng khăn cũ thì vi khuẩn/virus vẫn còn bám lại trên khăn và tiếp tục gây bệnh cho trẻ.

Lưu ý: Khi trẻ bị viêm mũi họng, cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho bé nhưng cần phải tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cha mẹ nên thông ngạt cho bé trước khi rửa mũi. Nếu mũi đang bị ngạt có thể khiến dịch mũi qua vòi nhĩ (vòi eustache) gây viêm tai giữa. Việc thông ngạt có thể thực hiện bằng cách nhỏ một vài giọt nước muối để làm loãng dịch mũi. Nếu ngạt nặng, có thể dùng thuốc co mạch (thận trọng khi sử dụng) trước 5-10 phút.

3.2. Điều chỉnh chế độ ăn

– Nên cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa.

– Cho bé uống nhiều nước, tốt nhất là dung dịch oresol và nước ép hoa quả.

– Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia thành nhiều bữa trong ngày và số lượng thức ăn mỗi bữa ít hơn bình thường. Cha mẹ không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn đã chuẩn bị vì thường khi ốm bé sẽ không có khẩu vị.

3.3 Chăm sóc trẻ bị sốt

Khi nhiệt độ bé dưới 38,5 độ C, mẹ chỉ cần lấy khăn ấm, chườm cho bé tại nách, bẹn.

Trên 38,5 độ C thì có thể cho bé uống thuốc hạ sốt. Liều hạ sốt theo cân nặng 10 – 15mg/kg/4 giờ.

4. Trẻ viêm họng uống thuốc gì?

Đa số các trường hợp viêm họng ở trẻ em là do virus. Do đó bệnh có thể tự khỏi trong vòng vài ngày đến một tuần. Việc sử dụng kháng sinh ngay lập tức là không cần thiết. Lạm dụng kháng sinh có thể đẩy cao tình trạng đề kháng thuốc, cạn kiệt nguồn kháng sinh ở tương lai chưa kể ảnh hưởng tới cơ thể, gan, thận của trẻ.

Vậy có nên sử dụng các thuốc giảm triệu chứng không?

Các thuốc tây như thuốc giảm ho, kháng histamine… có thể cắt nhanh các triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi. Tuy nhiên, thực chất ho, sổ mũi là phản xạ có lợi của cơ thể để loại bỏ dị vật, dị nguyên. Việc dùng thuốc có thể khiến ứ đọng dịch đờm nhầy, gây bội nhiễm. Triệu chứng có thể hết sau khi dùng thuốc nhưng bệnh vẫn tiến triển bên trong cơ thể trẻ.

Vậy cứ để trẻ ho và khó chịu?

Các bệnh do virus có thể được xử lý dễ dàng bởi hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, ho, sổ mũi và nôn nhiều khiến bé mệt mỏi, từ đó khiến bệnh lâu lành hơn. Các chuyên gia vẫn khuyên bố mẹ nên sử dụng các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ để giảm bớt khó chịu ở trẻ. Một số thảo dược như húng chanh, đường phèn, quất, mật ong… có thể giúp giảm ho, giảm sổ mũi, nghẹt mũi, giảm đau họng đồng thời tăng cường đề kháng ở trẻ.

Các bài thuốc dân gian từ các thảo dược nói trên đã được các lương y sử dụng từ lâu và chứng minh phù hợp, hiệu quả với cơ địa trẻ em Á Đông. Việc lựa chọn các sản phẩm thảo dược nhập khẩu có thể không đạt hiệu quả tương đương, do đặc điểm bệnh lý ở các khu vực khác nhau.

Bài thuốc từ húng chanh trị viêm họng, khản tiếng cho trẻ:

Nguyên liệu:

– Lá Húng chanh tươi 20g (rửa sạch, thái nhỏ)

– Đường phèn 20g.

Cách làm:

Cho hai thứ vào bát, chưng cách thuỷ, chắt lấy nước, uống từ từ.

Mỗi ngày cho trẻ uống một lần, liên tục trong 3 – 5 ngày

Húng chanh được coi là kháng sinh tự nhiên thực vật, với hàm lượng tinh dầu dồi dào, nguồn hợp chất Phenolic và Codeine. Nhờ đó, tinh dầu húng chanh giúp tăng cường khả năng kháng sinh tự nhiên trên đường hô hấp.

Việc tự chế thuốc tại nhà cần đảm bảo nguyên liệu sạch không nhiễm chất bảo vệ thực vật, dụng cụ vô khuẩn, bảo quản ở điều kiện phù hợp.

Dược sĩ Nguyễn Thị Hiền

Tìm hiểu thêm về sản phẩm cải thiện triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh tại đây

Bài viết liên quan

Góc chia sẻ

LỜI KHUYÊN CHUYÊN GIA