Tóm tắt nội dung
Nếu mẹ phát hiện bé có các biểu hiện họng bị viêm, sưng, đau, trong niêm mạc hầu xuất hiện nhiều nốt loét được phủ bởi 1 lớp màng giả màu vàng xám, bé không chịu ăn uống, hay khóc kêu đau họng miệng thì rất có thể đó là triệu chứng Trẻ bị viêm loét miệng họng.
1. Nguyên nhân trẻ bị viêm loét họng
Trẻ bị viêm loét miệng họng là bệnh lý thường gặp, phổ biến nhất là viêm loét họng Vincent, phát triển đồng thời ở niêm mạc hầu hai loại vi khuẩn: Xoắn khuẩn và trực khuẩn hình thoi. Hai vi khuẩn này vốn sống ký sinh ở họng, khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, viêm amidan, sâu răng hay rối loạn dinh dưỡng sẽ khiến niêm mạc họng bị tổn thương và gây loét. Trước khi điều trị bệnh viêm loét họng cho bé, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
Trẻ bị nóng trong người
Trẻ nhỏ có cơ địa nóng hoặc chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên xào, cay nóng cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng trong ở trẻ. Sốt và loét vùng họng, niêm mạc miệng sẽ khiến trẻ quấy khóc nhiều, mệt mỏi, ít ngủ, chảy nước dãi và kém vận động.
Các loại bệnh phổ biến bé bị viêm loét họng
Viêm loét vùng họng rất có thể là triệu chứng và biểu hiện của một số loại bệnh truyền nhiễm đặc trưng vùng nhiệt đới như: thủy đậu, chân tay miệng, sởi, cúm, viêm họng… Khi trẻ mắc các bệnh này, nguy cơ lây nhiễm trực tiếp và bùng phát thành dịch rất cao. Đặc trưng dễ dàng nhận thấy ở trẻ em bị viêm loét miệng họng do các bệnh này gây nên là có các nốt bọng nước trong vùng miệng và niêm mạc họng vỡ ra gây loét.
Thiếu chất dinh dưỡng
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bé. Nếu trong bữa ăn hàng ngày của bé thiếu vitamin B12, sắt, acid folic và một số khoáng chất khác, bé bị viêm loét họng và miệng, nhiều khi bé phát sốt. Tình trạng này kéo dài khiến bé mệt mỏi, hay cáu gắt và ăn ít, suy giảm cân nặng.
Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ
Một trong những nguyên nhân chính khiến bé bị viêm loét họng là do sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus vào vùng miệng họng. Đa số các bé thường không thích đánh răng và súc miệng nước muối, vệ sinh răng miệng không sạch nên dễ tạo điều kiện gây bệnh. Mẹ nên chú ý tập cho bé thói quen đánh răng sạch, súc miệng bằng nước muối để phòng tránh bệnh viêm họng, nhiệt miệng, viêm amidan,…
Lạm dụng kháng sinh
Cơ thể trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các loại kháng sinh, nếu lạm dụng thuốc kháng sinh khi trẻ bị bệnh sẽ dễ gây phản ứng phụ như sốt cao và nhiệt miệng, loét họng gây khó chịu và đau đớn, thậm chí bé có thể bị dị ứng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm. Tốt nhất khi dùng thuốc chữa bệnh cho trẻ thì phải tham khảo ý kiến bác sĩ, bất kỳ bệnh nào cũng không được phép dùng thuốc bừa bãi.
Virus herpes
Đây cũng có thể là nguyên nhân trẻ bị viêm loét họng. Virus herpes dễ tấn công vùng họng của bé nếu vào những ngày lạnh mẹ không chú ý giữ ấm cổ họng bé, cho bé ăn uống nhiều đồ lạnh, đồ cay nóng và răng miệng không vệ sinh sạch sẽ. Sức đề kháng của bé yếu hơn so với người lớn nên khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh cũng ít hơn.
2. Cách chăm sóc và chữa trị khi trẻ bị viêm loét miệng họng
Khi phát hiện trẻ bị viêm loét miệng họng, mẹ có thể áp dụng các cách xử lý tại nhà sau đây:
- – Cho bé súc miệng từ 1 – 4 lần/ngày bằng nước muối sinh lý hoặc pha loãng nước muối, từ lúc phát hiện triệu chứng đau họng cho tới khi khỏi hẳn. Thời điểm thích hợp để súc miệng nước muối nên là sáng, tối, sau khi ăn để loại bỏ vi khuẩn trong miệng, các vết loét miệng cũng nhanh chóng liền miệng hơn.
- – Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bé bằng bàn chải long mềm, loại dành riêng cho trẻ nhỏ. Khi bé bị viêm loét miệng họng, mẹ không nên dùng kem đánh răng mà chỉ nên dùng nước ấm hoặc nước muối pha loãng để đánh răng cho bé. Mẹ nên làm thật nhẹ nhàng vì long bàn chải dễ gây trầy xước lợi và tổn thương hơn ở các vết loét.
- – Tuyệt đối không cho bé ăn các loại đồ ăn cay nóng, khô cứng, đồ nhiều dầu mỡ và nhiều gia vị. Acid tự nhiên trong các loại đồ ăn chua càng khiến các vết loét khó lành và ở rộng hơn. Để bé hấp thu các chất dinh dưỡng tốt nhất trong thời điểm này, mẹ nên cho bé ăn đồ ăn loãng dạng súp, cháo để bé dễ nuốt, nuốt không đau.
- – Khi gặp các vấn đề về họng và đường hô hấp, cơ thể bé bị mất nước nhiều. Vì vậy mẹ cần bổ sung đầy đủ nước cho bé bằng cách cho bé bú nhiều (với các bé đang bú mẹ), cho bé uống nhiều nước hoa quả, sữa, nước lọc. Bổ sung nước cho bé giúp cơ thể bé thoải mái hơn, tình trạng vết loét họng giảm bớt và có tác dụng thanh lọc cơ thể, tránh mắc thêm các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy.
- – Với trẻ trên 12 tháng tuổi, mẹ có thể pha nước mật ong ấm cho bé súc miệng, có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau rát tại các vết loét họng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Trẻ sơ sinh bị viêm mũi họng phải làm sao? +Cách điều trị
Nếu áp dụng đủ các cách chăm sóc và chữa trị trẻ bị viêm loét miệng họng tại nhà trên mà tình trạng bé bị viêm loét miệng họng vẫn không giảm bớt sau 3 ngày, mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị tại nhà cho bé mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo: DS Thu Giang