Hiểm họa khó lường khi cho trẻ 3-12 tuổi sử dụng thuốc cảm-ho người lớn

Xu hướng điều trị trẻ em như một người lớn thu nhỏ đang bị đẩy lùi. Nguyên nhân chủ yếu từ các tác dụng phụ thường gặp ở trẻ em khi lựa chọn thuốc không phù hợp.

Trong đó có 2 nhóm thuốc thường sử dụng: Nhóm thuốc tây y trị ho, cảm lạnh và nhóm thuốc ho đông dược.

1. Nguy cơ đến từ nhóm thuốc ho, cảm lạnh tây y

Cơ quan y tế Canada gần đây đã ra thông báo: hạn chế sử dụng thuốc ho, cảm lạnh cho trẻ dưới 12 tuổi. Vì lý do lợi ích thu được nhỏ hơn những nguy cơ có thể mắc phải.

Các nhóm thuốc thường dùng:

1.1. Thuốc làm thông mũi, chống ngạt mũi: Thường dùng các thuốc kích thích thần kinh giao cảm đường uống như ephedrine, pseudoephedrine, phenylephrine… và thuốc dùng qua mũi như naphazolin, oxymetazolin, xylometazoline… Sử dụng >5 ngày có thể gây phản ứng dội ngược, bệnh nhân nghẹt mũi nhiều hơn, thời gian dài có thể dẫn tới nghẹt mũi mạn tính. Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không sử dụng các thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi cho trẻ dưới 2 tuổi.

1.2. Thuốc kháng histamine: Các thuốc này giúp hạn chế tiết dịch đường hô hấp, giảm nghẹt mũi, giảm kích ứng, giảm phù nề niêm mạc đường hô hấp.

  • Thuốc kháng histamine thế hệ 1 (alimemazin, clorpheniramin, promethazine…) có tác dụng an thần, giúp làm giảm chảy nước mũi và hắt hơi nhưng không hiệu quả trong giảm ngạt mũi nói chung.
  • Thuốc kháng histamine thế hệ 2 như cetirizine, desloratadin, fexofenadine, loratadine.. Các tác dụng phụ nhìn chung ít hơn thuốc kháng histamine thế hệ 1 tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng chóng mặt, khô dịch tiết, dẫn đến ho, ngạt mũi nghiêm trọng hơn.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc thông mũi dưới 6 tuổi và cân nhắc cẩn thận khi sử dụng cho trẻ từ 6-12 tuổi vì chúng có thể gây ức chế thần kinh trung ương và gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí đã có trường hợp nghiêm trọng như co giật, tăng nhịp tim và tử vong, đặc biệt là trên trẻ dưới 12 tháng tuổi. Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ em dưới 2 tuổi do có thể gây suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

1.3. Thuốc giảm ho. Hoạt chất được sử dụng phổ biến là dextromethorphan. Việc sử dụng dextromethorphan giúp cắt cơn ho nhanh chóng. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn đi kèm là mất phản xạ ho, khiến dịch đờm (bao gồm vi khuẩn, dịch tiết…) bị ứ đọng, khiến ho kéo dài và viêm nhiễm lâu hơn. Dextromethorphan đã bị chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi, chỉ được dùng trong các trường hợp ho không đờm, ho mạn tính, ho do kích ứng.

cam-nuong-bai-thuoc-tri-ho-hieu-qua-cho-tre-nho

2. Thuốc ho đông dược dành cho người lớn – không dành cho trẻ em

Một số thuốc ho phổ biến trên thị trường hiện nay chứa các dược liệu có hoạt lực mạnh nhưng độc tính cao, có thể gây nguy hiểm cho trẻ như bán hạ, ma hoàng, khổ hạnh nhân.

Bán hạ vị cay tính ấm có độc, quy vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng tán phong đờm, hạ khí, giáng nghịch, hòa vị, chống nôn. Bán hạ không dùng cho phụ nữ có thai, người âm hư, ho khan. Ăn bán hạ sống miệng, lưỡi có cảm giác tê chích. Liều lớn gây cảm giác tê cay mạnh, ngứa, nóng bỏng, sưng, tiết nước bọt, buồn nôn, nói không rõ, khàn giọng, trường hợp nặng sẽ ngạt thở, khó thở dẫn tới tử vọng. 

Khổ hạnh nhân là hạt khô của quả mơ. Khổ hạnh nhân có vị đắng, hơi ấm và hơi độc. Glucosid hạt mơ thủy phân cho cyanhydric acid có tác dụng ức chế nhẹ trung khu hô hấp vì thế giảm ho suyễn. Đây cũng là vị thuốc cần sử dụng kiểm soát, theo đơn của bác sĩ. Khi vào cơ thể, chất amygadalin và amygdalase kết hợp sinh ra prunasin và mandelonitrile bị phá hủy trong ruột sinh ra benzaldehyde và hydrocyanic rất độc. Triệu chứng nhiễm độc: chóng mặt, mệt lả, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, huyết áp tăng, thở nhanh, nghiêm trọng hơn thở nông chậm, hôn mê, cứng người, co giật, giãn đồng tử, huyết áp hạ, suy hô hấp tuần hoàn dẫn đến tử vong.

Ma hoàng vị cay, tính ấm, quy kinh phế, tác dụng khứ tà nhiệt khí, giải biểu, khứ phong, bình suyễn. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy thành phần ephedrine trong ma hoàng làm giãn cơ trơn khí quản, chống co thắt phế quản và cải thiện các tiệu chứng của hen suyễn, viêm phế quản cấp và mãn tính. Tuy nhiên, ma hoàng có thể gây ra mồ hôi nhiều, vì vậy sử dụng liều cao hoặc dài ngày có thể khiến cơ thể suy nhược. Thành phần này chống chỉ định với phụ nữ mang thai và bệnh nhân cơ thể suy nhược lâu ngày.

Như vậy, việc sử dụng thuốc của người lớn cho trẻ em thực ra là lợi bất cập hại, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khó lường. Các mẹ nên sử dụng các sản phẩm siri ho thảo dược dành riêng cho trẻ.

Dược sĩ Trần Lan Phương

Bài viết liên quan

Góc chia sẻ

LỜI KHUYÊN CHUYÊN GIA