Tóm tắt nội dung
Thân nhiệt của trẻ em là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm. Đây là dấu hiệu phản ánh tình trạng sức khỏe, bệnh lý rất rõ nét của trẻ em. Vậy nhiệt độ bình thường của trẻ như thế nào, trẻ em nóng bao nhiêu độ là sốt? Cần lưu ý gì khi đo thân nhiệt của trẻ? Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những vấn đề trên.
1. Nhiệt độ của trẻ bao nhiêu là bình thường?
Theo các bác sĩ, nhiệt độ cơ thể của trẻ luôn thấp hơn 1-1.5 độ so với người trưởng thành. Đặc biệt, sẽ có sự khác biệt khi đo ở từng điểm trên cơ thể, có thể thay đổi theo thời gian trong ngày, theo tình hình thời tiết.
Đối với người lớn, nhiệt độ trung bình của cơ thể được đo ở miệng là 36.5 độ C. Nhiệt độ đo ở miệng thông thường có thể thay đổi vào khoảng thấp hơn 35.5 độ C vào buổi sáng và 37.5 độ C vào buổi chiều. Nếu nhiệt độ cơ thể của người lớn tăng nhẹ (từ 38 đến 38.5 độ C) có thể là do vận động, quần áo nóng, tắm nước nóng, xông hơi, thời tiết nóng hoặc là dấu hiệu sớm của bệnh lý nhiễm trùng.
Đối với trẻ em, thân nhiệt bình thường sẽ là 36,5 đến 37,5 độ C.
2. Trẻ em nóng bao nhiêu độ là sốt?
Nhiệt độ cơ thể của trẻ em có thể bị thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau như nhiệt độ trong phòng giảm hoặc tăng đột ngột, trời mùa hè quá nóng hoặc trời mùa đông quá lạnh cũng khiến cơ thể bé thay đổi thân nhiệt (tất nhiên là rất ít và phần lớn là thay đổi ở bề mặt da). Thêm vào đó, bé mặc quần áo quá dày cũng có thể khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi. Vậy trẻ em bao nhiêu độ là sốt? Theo các bác sĩ nhi khoa, nhiệt độ cơ thể của bé được xem là triệu chứng sốt khi:
- – Nhiệt độ bên trong hậu môn cao hơn 38 độ C.
- – Nhiệt độ ở miệng cao hơn 37.8 độ C.
- – Nhiệt độ ở nách cao hơn 37 độ C.
- – Nhiệt độ ở tai cao hơn 38 độ C. Tuy nhiên, cách đo này không khả thi với các bé dưới 6 tháng tuổi, các mẹ nên lưu ý.
- – Nhiệt độ đo bằng núm vú giả cao hơn 37.8 độ C. Các mẹ lưu ý nhiệt kế núm vú sẽ chính xác hơn với trẻ trên 3 tháng tuổi.
3. Cách kiểm tra nhiệt độ khi nghi ngờ trẻ sốt
Cần đo nhiệt độ để xác định mức độ sốt của trẻ. Dụng cụ có thể sử dụng là nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử để đo nách, đo tai, đo trán thái dương. Nhiệt kế thuỷ ngân cho nhiệt độ chính xác cao nhất nhưng nên cẩn thận khi sử dụng vì thủy ngân rất độc, nếu nhiệt kế bị vỡ sẽ gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là trong trường hợp trẻ nuốt phải. Ngoài ra, cũng không nên sử dụng loại nhiệt kế điện tử dán trán vì không chính xác. Nhiệt kế điện tử đo tai cũng thường không chính xác cho trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Cách lấy nhiệt độ
Có thể lấy nhiệt độ trẻ tại nách (đa số), miệng, hậu môn, tai, trán/ thái dương (điện tử dùng tia hồng ngoại)
Với trẻ sơ sinh, nên sử dụng nhiệt kế điện tử để kẹp vào nách. Với trẻ 3 tháng – 5 tuổi, có thể lấy nhiệt độ tại nách hoặc tai. Trẻ lớn hơn thì có thể lấy ở nách là chủ yếu.
Thông thường, nếu trẻ có nhiệt độ hậu môn là 36,5 – 37,5 độ C là bình thường. Nếu nhiệt độ hậu môn trên 38 độ C tức là trẻ đã sốt. Trong đó, nhiệt độ hậu môn bằng nhiệt độ nách + 0,5 và bằng nhiệt độ tai + 0,3.
4. Cách chăm sóc trẻ bị sốt
- – Hạ thân nhiệt cho trẻ bằng cách chườm ấm vào các vị trí nách, bẹn, gan bàn tay, gan bàn chân…
- – Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Nên uống theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây ngộ độc thuốc hạ sốt.
- – Cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn bình thường theo nhu cầu của trẻ, nên chia nhỏ nhiều bữa hơn.
- – Uống thêm nước (không dùng nước ngọt), nhất là nước trái cây giúp bổ sung thêm các Vitamin, tăng cường sức đề kháng. Tốt nhất là bù cả nước và điện giải bằng Oresol ( chú ý pha đúng liều lượng và cho uống đúng cách).
- – Tái khám ngay nếu hơn 2 ngày không hạ sốt, hoặc có dấu hiệu nặng nguy hiểm (sốt cao khó hạ, sốt cao co giật, trẻ bỏ ăn, thở nhanh, li bì, phát ban đỏ …)
Về mặt y khoa, sốt là một triệu chứng, không phải là bệnh. Sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại tác nhân gây bệnh, nó cũng là ngôn ngữ cảnh báo cơ thể đang gặp phải những bất thường. Trẻ em là đối tượng rất thường xuyên bị sốt do nhiều chứng bệnh khác nhau. Hầu hết các cơn sốt mà trẻ mắc phải đều không nguy hiểm. Khi con bạn sốt kéo dài hoặc nhiệt độ quá cao, khó hạ sốt thì hãy đem đến các phòng khám và cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Chuyên gia Thu Giang