Tóm tắt nội dung
Trẻ bị ho sổ mũi có nên uống kháng sinh không? Tại nước ta, việc tự mua bán thuốc chữa bệnh không được kiểm soát chặt chẽ, vì vậy rất nhiều người làm cha, làm mẹ mắc sai lầm tự ý dùng kháng sinh khi trẻ bị ho sổ mũi.
Cảm cúm, ho và sổ mũi là bệnh lý thông thường về đường hô hấp mà trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc phải, nhất là vào thời điểm thời tiết giao mùa, thay đổi thất thường. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công vùng miệng họng, đường hô hấp. Với tâm lý ngần ngại đến các cơ sở y tế, thậm chí không tin tưởng các cơ sở y tế, nhiều gia đình có trẻ bị cảm, ho và sổ mũi thường tự mua thuốc về điều trị cho trẻ. Mặc dù kháng sinh được cho là một biện pháp hữu hiệu trong khám chữa bệnh nhưng tự ý sử dụng kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể khiến tình trạng trẻ bị cảm và ho, sổ mũi nặng hơn và biến chứng xấu.
Trẻ bị ho sổ mũi có nên uống kháng sinh? 3 Sai lầm bố mẹ cần biết
Tự mua thuốc theo cảm tính hoặc theo lời khuyên của dược sĩ
Trẻ bị cảm, ho và sổ mũi thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc và sụt cân nhanh. Những lúc như vậy, mẹ thường rất lo lắng và muốn tìm cách giúp trẻ nhanh chóng khỏi cảm cúm, hắt hơi sổ mũi. Vì vậy mẹ thường tự ý dùng kháng sinh để trị bệnh cho con mà không biết rằng virus là “thủ phạm” gây ra hầu hết các ca viêm đường hô hấp chứ không phải vi khuẩn nên dùng kháng sinh là không cần thiết và không có tác dụng. Tự ý dùng kháng sinh để điều trị mà chưa được sự cho phép của các bác sỹ là không nên bởi nếu dùng các loại kháng sinh không đúng thì bệnh ho cảm và sổ mũi của trẻ càng nặng thêm.
Không đảm bảo đúng thời gian điều trị thuốc
Trong trường hợp trẻ bị cảm, ho và sổ mũi đang được điều trị bằng kháng sinh, nhiều mẹ lại tự ý rút ngắn thời gian dùng kháng sinh của trẻ. Nguyên nhân chủ yếu của sai lầm này là tâm lý xót con vì các bé thường rất sợ uống thuốc, khóc nhiều và thậm chí nôn trớ khi uống thuốc. Bên cạnh đó, nhiều người tự cho rằng chỉ cần dùng thuốc đến khi các triệu chứng bệnh đã giảm bớt, không cần tuân theo liệu trình. Đây là một trong những lý giải cho tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ. Nếu lần sau trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, thì tỉ lệ trẻ phải dùng đến kháng sinh phổ rộng nhiều hơn.
Tự ý thay đổi loại thuốc
Xuất phát từ tâm lý nóng vội khi chữa bệnh cho con, nhiều mẹ tự ý đổi loại thuốc điều trị khi thấy trẻ điều trị 2 – 3 ngày chưa khỏi các triệu chứng cảm cúm, ho và sổ mũi. Việc làm này có thế gây hậu quả rất nghiệm trọng cho sức khỏe của trẻ vì rất nhiều trường hợp có thể xảy ra như: gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ, chọn sai kháng sinh, dị ứng thành phần thuốc. Cha mẹ cần tuân thủ theo đơn thuốc bác sĩ chỉ định về loại thuốc, liều lượng và thời gian điều trị để mang lại hiệu quả cao và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc.
Mời bạn xem thêm:
6 Cách trị ho sổ mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà siêu hiệu quả
9 Cách trị ngạt mũi cho bé tại nhà siêu hiệu quả, ít ai biết
2. Cha mẹ cần hiểu đúng về kháng sinh điều trị ho – cảm – sổ mũi cho trẻ
Khi trẻ bị cảm, ho và sổ mũi, kháng sinh chỉ là một phương pháp cần sử dụng khi cần thiết. Trẻ gặp các vấn đề về đường hô hấp như cảm cúm, ho, hắt hơi sổ mũi có thể cải thiện sức khỏe bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà, thuốc kháng sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ. Cha mẹ cần được trang bị những kiến thức đúng đắn về việc dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh cho trẻ.
Thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn
Thuốc kháng sinh giúp diệt vi khuẩn phát tán trong cơ thể khi trẻ bị nhiễm khuẩn. Nhưng bệnh cảm cúm chủ yếu do virus cảm cúm gây ra và trong mọi trường hợp, kháng sinh không hiệu quả trong việc tiêu diệt được virus cảm cúm. Ngoài cảm cúm và cảm lạnh là những bệnh phổ biến do virus gây ra, mẹ cần biết rõ nguyên nhân chính xác bé bị cảm, ho và sổ mũi do đâu, triệu chứng là gì để có cách điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Trẻ bị cảm ho sổ mũi không thể khỏi chỉ nhờ kháng sinh
Vì ho cảm cúm và sổ mũi thường do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không hoàn toàn có thể chữa khỏi cho trẻ. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng xoang nhưng nếu hệ miễn dịch tốt, nhiễm trùng sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần, vì vậy, mẹ có thể bớt lo lắng để chăm sóc trẻ đúng cách.
Những rủi ro khi dùng thuốc kháng sinh bừa bãi
Tự ý dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ như dị ứng thành phần thuốc, tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao, sốc co giật… Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng của bé xấu đi, gây khó khăn trong việc điều trị sau này.
Với những vấn đề về đường hô hấp thông thường như trẻ bị cảm, ho và sổ mũi, cha mẹ nên để sức đề kháng tự nhiên của trẻ tự điều chỉnh, vừa hạn chế dùng kháng sinh, vừa tăng sức đề kháng tự nhiên cho trẻ.
Theo DS Thu Giang