Quất bài thuốc trị ho hiệu quả lâu đời trong dân gian

Quất (tắc) chưng đường phèn là bài thuốc trị ho được lưu truyền trong dân gian từ lâu.

Tương truyền bài thuốc có từ thời vua Lý, gắn với một câu chuyện cảm động về tình vua tôi nhà Lý.

Truyện kể rằng, cách đây gần 900 năm, vào giữa tiết trời đông giá lạnh, cả kinh thành Thăng Long vô cùng lo lắng bởi nhà vua và văn võ bá quan trong triều cùng hàng ngàn người dân đột nhiên mắc một chứng bệnh thời khí với biểu hiện: sổ mũi, hắt hơi, đau nhức chân tay mình mẩy.

Vua Lý Thần Tông đã hạ chiếu cho pháp sư Giới Không Thiền Sư lập đàn tế lễ, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày một lan rộng. Các quan ngự y được lệnh sưu tầm dược liệu để chế ra những phương thuốc trị bệnh. Sau một thời gian chạy chữa, các chứng bệnh lui dần, duy chỉ còn chứng ho, mất tiếng là dai dẳng kéo dài đến tận giáp Tết Nguyên đán.

Nhà vua phải xuống chiếu cho nhân dân cả nước xem ai biết môn thuốc gì chữa khỏi chứng ho kéo dài này sẽ được trọng thưởng. Chiếu chỉ ban hành được vài ngày thì có một nông dân tên là Hoàng Quyết xin dâng lên nhà vua một vị thuốc dân gian, đó là quả quất luyện với đường phèn để chữa bệnh. Nhà vua bèn dùng thử thấy thuốc vừa chua, vừa ngọt, lại cay tê, đắng đắng, thơm mùi quất, chỉ trong hai ngày là khỏi bệnh.

Bài thuốc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và từ đó, cây quất cũng được trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh tại kinh thành Thăng Long.

Quất bài thuốc trị ho hiệu quả lâu đời trong dân gian

Quất – cây cảnh ngày Tết và vị thuốc quý chữa bệnh

Từ xa xưa, chơi quất cảnh đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong dịp Tết nguyên đán. Những cây quất lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Quất chẳng những là cây cảnh của mùa xuân, quả quất chín mọng qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp còn được chế biến thành mứt quất, một món ăn của ngày Tết, nếu một lần được thưởng thức sẽ chẳng bao giờ quên bởi hương vị đặc trưng: ngọt, thơm, cay dịu…

Ngoài ra, quất còn là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Quả quất chứa pectin, vitamin C, đường, acid hữu cơ, có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ. Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.

Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, quy kinh phế, vị, can. Quất có công năng hóa đàm, trị ho, giải uất, tiêu thực. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, cầm nôn. Lá quất chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn rất tốt.

Chính vì thế, quất trở thành vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc ho.

>>> Mời bạn xem thêm:

Quất hấp mật ong bài thuốc trị ho cho bé hiệu quả, ít ai biết

Bật mí cách làm quất trị ho cho bé hiệu quả từ chuyên gia

Một số bài thuốc dân gian chữa ho từ quất

Cảm mạo: Lá quất 30g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, hòa đường vừa đủ, uống lúc nóng.

Nôn mửa: Vỏ quất, gừng tươi, đất nung mỗi thứ 9g, sắc uống.

Ho nhiều đờm: Quất 5 quả, đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy, ngày ăn 2 lần, liền trong 3 ngày.

Ho gà trẻ em: Quất 10g, gừng tươi 6g, thiên trúc hoàng 6g, sắc uống mỗi ngày 1 lần.

Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.

An thần giảm ho: Quất 2 quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.

Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, thêm 20g đường phèn hấp cơm, uống 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 – 10ml (1 thìa café).

Theo DS.Hương Giang

Bài viết liên quan

Góc chia sẻ

LỜI KHUYÊN CHUYÊN GIA