Tóm tắt nội dung
Trẻ bị ho, sổ mũi là tình trạng thường gặp. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh khi có các tác nhân bất lợi tấn công. Vậy khi trẻ bị ho sổ mũi phải làm sao, cha mẹ nên làm gì để giúp bé yêu dễ chịu và mau khỏi bệnh? Đây là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt những người mới nuôi con nhỏ lần đầu thường hay thắc mắc. Bài viết sau sẽ cung cấp thêm các thông tin giúp các bậc phụ huynh biết cách xử lí khi con bị ho, sổ mũi.
1. Xử lý đúng cách khi trẻ bị ho, sổ mũi
Ho, sổ mũi là những biểu hiện ban đầu báo hiệu bé yêu của bạn mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mà nguyên nhân thường gặp là do vi khuẩn, virus. Nhưng nếu trẻ bị dị ứng khi tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, mạt nhà, mùi hóa chất,… thì cũng có thể xuất hiện triệu chứng ho, chảy nước mũi, nghẹt tắc mũi. Do đó cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị ốm trước khi có biện pháp can thiệp. Bởi lẽ, ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp đào thải dịch tiết, mầm bệnh, tác nhân kích thích ra phía ngoài đường hô hấp. Chảy nước mũi cũng vậy, dịch nhầy mũi giúp sưởi ấm đường thở, ngăn cản vi khuẩn thâm nhập vào sâu bên trong đường hô hấp. Vì vậy, không phải tất cả trường hợp bé ho, sổ mũi đều nguy hiểm và cần tích cực điều trị.
Nhiều ông bố bà mẹ khi thấy con ho, chảy mũi là liền tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc giảm ho, thuốc nhỏ mũi co mạch, hay thậm chí là dùng ngay kháng sinh cho con. Điều này vô cùng tai hại, không những làm mầm bệnh không được đào thải ra, ứ đọng lại gây bệnh nặng hơn, mà còn hết sức nguy hiểm bởi thuốc có thể gây các tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, việc dùng kháng sinh bừa bãi, không đúng chỉ định còn gây nên tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh. Sau này khi con bạn không may bị bệnh nhiễm trùng nặng cần dùng kháng sinh thì việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn do trẻ từ bé đã hay lạm dụng kháng sinh.
>>>Xem thêm: 7+ Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh dân gian, hiệu quả
2. Chăm sóc trẻ bị ho, sổ mũi đúng cách góp phần trị khỏi bệnh
Vệ sinh nhà cửa
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đảm bảo không gian thông thoáng, nhiệt độ thích hợp cho bé. Khi bị ho, sổ mũi, sức đề kháng của trẻ đã yếu nay còn giảm hơn ngày thường. Do đó, bất cứ một tác nhân bất lợi nào từ môi trường sống cũng có thể khiến bệnh tình trẻ nặng hơn. Theo các nghiên cứu chỉ ra thì những đứa trẻ sống trong môi trường nhà cửa chật chội, vệ sinh kém, ẩm mốc, bụi bẩn nhiều thì nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng trong 2 năm đầu đời, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý có khả năng kháng khuẩn cao, có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại và làm sạch đường thở. Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho là biện pháp an toàn và mang lại hiệu quả cao. Chú ý các mẹ không nên tự pha nước muối vì nồng độ sẽ không đạt chuẩn có thể khiến niêm mạc mũi của trẻ bị tổn thương, làm nặng hơn tình trạng nghẹt mũi. Nhỏ mũi 3-5 lần/ ngày, nên nhỏ và vệ sinh mũi cho trẻ trước khi ăn và trước khi đi ngủ. Đối với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm cũng có tác dụng giảm ho, giảm đau rát họng hiệu quả.
Cho bé uống nhiều nước
Cung cấp đủ nước giúp loãng dịch nhầy mũi và dễ đào thải ra ngoài. Đối với trẻ còn bú mẹ, tăng cường cho trẻ bú. Trẻ lớn hơn thì ngoài sữa mẹ, phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, sữa, nước trái cây, soup hoặc thức ăn dạng lỏng để dịch mũi lỏng hơn và dễ làm sạch.
>>>Xem thêm: +99 Cách trị ho sổ mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà ít ai biết
Dùng tinh dầu Khuynh diệp , tinh dầu Tràm
Khi trẻ bị ho, sổ mũi mẹ cũng nên xoa chút dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp vào ngực, lưng, lòng bàn chân bé, massage vài phút, có tác dụng giảm ho, giảm chảy nước mũi hiệu quả.
Một cách khác là nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước tắm của trẻ. Hơi nước ấm cùng với tinh dầu hòa quyện giúp lưu thông khí huyết, giải cảm, trị sổ mũi, nghẹt tắc mũi an toàn cho bé yêu.
Cho bé uống lá húng chanh, quất xanh và đường phèn
Lá Húng chanh (còn gọi là tần dày lá hay lá tần có lông), có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, sổ mũi, cảm rất tốt
Nguyên liệu
- – 10-15 lá húng chanh
- – 4 quả quất xanh
- – Đường phèn.
Cách làm
- – Rửa sạch lá húng chanh và quất xanh, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn
- – Thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút.
- – Uống liên tục 2 lần/ngày đến khi hết ho, sổ mũi.
Ăn cháo trứng nóng với hành, tía tô
Mẹ nấu cháo trứng nóng với hành và lá tía tô cho bé ăn. Món ăn này không chỉ bổ dưỡng mà còn là cách trị cảm, sổ mũi an toàn cho bé. Chú ý chế biến cho hợp khẩu vị trẻ vì trẻ ốm thường hay quấy khóc, ăn kém. Cha mẹ nên kiên trì dỗ cho trẻ ăn để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho con.
>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm phải làm sao?4 Cách chữa trị
3. Theo dõi trẻ bị ho, sổ mũi thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng
Ho, sổ mũi có thể chỉ là biểu hiện bệnh cảm lạnh thông thường, thậm chí dị ứng bụi bẩn. Nhưng cha mẹ cũng không nên xem nhẹ mà chủ quan. Bởi ở trẻ con diễn biến bệnh thường rất nhanh và có khi tiến triển gây các biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ cần theo dõi con thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu nặng, kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị khi :
- – Trẻ ho, sổ mũi tăng lên, không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp trên
- – Ho cơn rũ rượi, trong cơn ho trẻ đỏ bừng mặt hoặc có tím viền môi, mặt
- – Ho có đờm đục, chảy nước mũi đặc, mùi hôi
- – Kèm theo sốt, mệt mỏi, nôn trớ nhiều, bỏ bú
- – Biểu hiện thở gắng sức: thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái hoặc có cơn ngừng thở trong trường hợp rất nặng
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp cha mẹ phần nào biết cách chăm sóc trẻ bị ho, sổ mũi. Cần luôn ghi nhớ không được tự ý dùng thuốc ho cho bé và theo dõi sát trong những ngày trẻ ốm để có biện pháp xử trí kịp thời khi trẻ bệnh nặng lên. Chúc các bé mau khỏi bệnh!