Trong thời kì mang thai, các bà mẹ có thể bị ngạt mũi. Đây không chỉ là triệu chứng gây khó chịu cho bà mẹ mà còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu nó đi kèm với các dấu hiệu bệnh nhiễm trùng khác hoặc khi bà mẹ sử dụng các thuốc điều trị. Tham khảo bài viết dưới đây, tìm hiểu cách chữa trị ngạt mũi cho bà bầu bằng những cách đơn giản sau.
1. Nguyên nhân gây ngạt mũi ở mẹ bầu
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng khó chịu này ở bà bầu. Trong đó các nguyên nhân chính hay gặp bao gồm:
- Viêm mũi thai kì: Sự thay đổi nồng độ hormone Estrogen khi mang bầu được cho là có liên quan đến biểu hiện ngạt mũi của nhiều phụ nữ có thai. Các nhà khoa học gọi đây là viêm mũi thai kì. Ngạt mũi sẽ xuất hiện vào khoảng tuần thứ 8-10 và khỏi sau khi sinh em bé.
- Di ứng: Các tác nhân bất lợi từ môi trường như khói bụi, mạt nhà, thay đổi thời tiết đột ngột… gây nên tình trạng phù nề niêm mạc cuốn mũi, tăng tiết nước mũi … do cơ chế dị ứng cũng hay gặp ở bà bầu. Cơ thể người phụ nữ khi mang thai lại nhạy cảm hơn với các tác nhân này nên dễ gây ngạt mũi.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Nhiễm trùng hô hấp cũng là một trong các nguyên nhân hay gặp dẫn đến ngạt mũi. Khi đó, ngạt mũi sẽ đi kèm với các triệu chứng khác: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, thậm chí có sốt.
2. Các cách chữa trị ngạt mũi cho bà bầu đơn giản hiệu quả
Tùy theo nguyên nhân mà ta có các phương pháp khác nhau giúp đẩy lùi tình trạng khó chịu này. Sau đây là một số các các mẹ có thể tham khảo.
- – Rửa mũi bằng nước muối: Dịch nhầy đọng nhiều ở mũi là nguyên nhân chính gây ngạt mũi và khó thở. Mẹ bầu nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi 2-3 lần/ngày. Hiện nay có các dung dịch nước muối biển dạng xịt rửa mũi có thể dùng được cho bà bầu. Các mẹ có thể tìm mua ở nhà thuốc.
- – Súc miệng nước muối: Vệ sinh miệng họng thường xuyên giúp ngăn ngừa vi khuẩn từ mũi tấn công sang họng. Súc miệng bằng nước muối loãng được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng vùng răng miệng.
- – Uống nhiều nước: Lượng nước nạp vào cơ thể giúp làm lỏng dịch đặc ở mũi. Hơn nữa uống đủ nước hàng ngày giúp ích cho quá trình chuyển hóa diễn ra thuận lợi, cơ thể phát triển và có sức đề kháng chống lại mầm bệnh. Mẹ bầu nên uống nước ấm, hoặc nước ấm pha với chanh và mật ong.
- – Tránh ăn cay: Gia vị cay như tiêu, ớt, mù tạt sẽ kích thích nước mũi tiết ra nhiều hơn. Do đó, mẹ bầu nên hạn chế đồ cay nếu không muốn tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
- – Kê cao gối khi nằm để dễ thở hơn khi ngủ và nghỉ ngơi.
- – Dùng máy phun sương tạo độ ẩm, nhất là lúc ngủ, để giảm bớt cảm giác khó chịu do tình trạng viêm mũi gây ra. Chú ý cần kiểm tra độ ẩm hợp lý.
- – Luyện tập thể thao nhẹ nhàng, tập thở khí công cũng góp phần điều hòa nhịp thở, giảm bớt tình trạng khó chịu do ngạt mũi gây nên. Mẹ bầu nên lựa chọn địa điểm tập luyện phù hợp, tránh nơi gió lùa hoặc quá nóng bức hay quá lạnh.
- – Xông mặt có thể là cách chữa ngạt mũi cho bà bầu đơn giản tuy mang tính tạm thời, nhưng lại đem đến sự dễ chịu nhẹ nhàng. Bạn có thể sử dụng một vài loại lá như: lá bưởi, húng quế, tía tô, bạc hà, rau tần, ngổ, riềng, gừng, hành, chanh…
Mời bạn xem thêm:
Bà bầu bị sổ mũi phải làm sao? +6 Kinh nghiệm vàng cho bạn
Nên ngồi khoảng 5 – 10 phút cho tới khi mồ hôi ở mặt toát ra, sau đó lấy khăn lau cho khô mặt.
Nếu tất cả những biện pháp trên không giảm được tình trạng ngạt mũi thì dùng thuốc là biện pháp cuối cùng để cải thiện tình trạng ngạt mũi khi mang thai. Nếu muốn áp dụng phương pháp này, bạn cần phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Cần hết sức cẩn trọng khi dùng và đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất khi gặp phải những tác dụng không mong muốn.
DS.Vân Ân