Trẻ trên 3 tuổi bị viêm đường hô hấp – những đặc điểm bố mẹ cần chú ý

Hơn 1/3 trẻ dưới 10 tuổi nhập viện với các bệnh lý về đường hô hấp. Đặc điểm bệnh lý hô hấp ở trẻ trên 3 tuổi có gì khác với người lớn? Và cần điều trị như thế nào là phù hợp? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

1. Đặc điểm bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ

Khởi điểm, trẻ em thường bị viêm đường hô hấp trên. Các bệnh đường hô hấp hay gặp ở trẻ bao gồm: viêm mũi, họng và cảm cúm. Tiếp theo, do sức đề kháng yếu, hàng rào bảo vệ mong manh nên bệnh ở trẻ dễ tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm tai giữa). Các bệnh lý ở trẻ thường ở thể cấp tính, ít khi ở thể mãn tính.

Nguyên nhân chính gây ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp ở trẻ là cảm mạo. Cảm mạo do rối loạn chức năng phế vệ. Hệ thống bảo vệ trên bề mặt cơ thể không thể ngăn tà khí từ bên ngoài. các nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài theo đông y là: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa, trong đó nguyên nhân do phong hàn là nguyên nhân thường gặp nhất trong bệnh cảm mạo.

Với người lớn, cũng có trường hợp ho do cảm nhưng bệnh ít khi tiến triển do hệ miễn dịch đã hoàn thiện. Người trưởng thành thường bị ho khan, ho kéo dài. Nguyên nhân gây ho kéo dài liên quan tới bệnh lý nền, mãn tính: ho do viêm mũi dị ứng, ho do trào ngược dạ dày, thực quản; ho do hen, ho do hút thuốc lá…

2. Điều trị viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ

Nếu người lớn cần ưu tiên bổ phế, điều trị bệnh lý nền mãn tính (nếu có) thì trẻ em ưu tiên làm ấm, giải cảm hàn. Khi bệnh ở giai đoạn đầu, trẻ mới có biểu hiện: hắt hơi, chảy nước mũi trong. Lúc này, tác nhân gây bệnh (hàn khí) vẫn còn ở bề mặt cơ thể. Dùng các thảo dược có tính cay ấm như quất (tắc), gừng, húng chanh (tần dày lá) để giải biểu tán hàn. Tác nhân gây bệnh sẽ không xâm nhập sâu, từ đó, ngăn bệnh tiến triển hay bội nhiễm. Ngoài ra, giải cảm triệt để sẽ giúp giảm tái phát viêm đường hô hấp ở trẻ.

Bên cạnh đó, sử dụng thêm mật ong để giảm ho nhưng không làm mất phản xạ ho. Tác dụng giảm ho của mật ong trong một vài nghiên cứu đã được chứng minh vượt trội dextromethorphan.

Trong nhiều bài thuốc, có thể thêm cát cánh – thảo dược có tác dụng long đờm an toàn cả với trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, cần phối hợp thêm rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Rửa mũi sẽ giúp giảm nguy cơ bộ nhiễm tại mũi và tai giữa.

Các thuốc điều trị tây y cắt nhanh triệu chứng nhưng cũng đồng hành cùng nhiều tác dụng phụ như làm mất phản xạ ho (thuốc ho), khô dịch tiết, ứ đọng đờm, gây ho nhiều hơn (kháng histamine). Chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, khi các triệu chứng kể trên làm ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của trẻ. FDA (Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) khuyến cáo không nên sử dụng thuốc ho cảm cho trẻ dưới 12 tuổi.

Các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể cân nhắc dùng kháng sinh phù hợp cho trẻ. Do đó, các trường hợp trẻ có sốt cao, thở nhanh, thở khò khè, bỏ ăn, li bì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để kiểm tra chính xác.

3. Phòng bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ như thế nào?

Mũi là cửa ngõ của đường hô hấp. Chức năng chính của mũi là lọc, làm ấm, làm ẩm không khí, giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Mũi của trẻ ngắn, chưa hoàn thiện về mặt chức năng và cấu tạo nên việc giữ ấm, giữ sạch mũi trẻ vô cùng quan trọng, đặc biệt những địa phương có tình trạng ô nhiễm cao, hoặc khi nhiệt độ xuống thấp.

Với trẻ thường xuyên nằm điều hòa thì mẹ cần giữ ẩm mũi trẻ.

Bên cạnh đó nên tăng đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung vitamin C, thymodulin, chiết xuất hoa cúc tím nếu cần. Việc tích cực cho trẻ vận động ngoài trời và tiêm phòng định kỳ cũng là một trong những giải pháp tăng cường hàng rào bảo vệ cho con.

Dược sĩ Trần Lan Phương

Bài viết liên quan

Góc chia sẻ

LỜI KHUYÊN CHUYÊN GIA