Biểu hiện bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh
Thủ phạm gây bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là vi khuẩn Bordetella pertussis. Vi khuẩn này xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và gây nên nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp. Bệnh tiến triển không quá nhanh với những biểu hiện ban đầu không rõ ràng như sốt nhẹ kèm ho khiến việc phát hiện và điều trị bệnh sớm khá khó khăn. Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh có thể phát triển ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Trước khi có vắc xin thì bệnh ho gà rất phổ biến. Vắc xin phòng bệnh ho gà ra đời đã làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ho gà trên thế giới xuống từ 100 đến 150 lần vào năm 1970. Nhưng hiện nay với tư tưởng chủ quan cũng như sức miễn dịch của vắc xin suy giảm nên tỷ lệ mắc ho gà có xu hướng tăng nhẹ ngay tại những nước phát triển như Anh, Thụy Điển.
>>>Xem thêm : Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị ho, sổ mũi?
Tại Việt Nam, sau năm 1986, tất cả trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 3 liều vaccin DTP chống 3 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhờ vậy đến nay, tỷ lệ mắc và chết của bệnh ho gà ở trẻ sở sinh đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, đến nay bệnh ho gà vẫn còn tản phát ở nhiều nơi và vẫn còn xảy ra dịch nhỏ ở địa phương, đặc biệt ở các vùng miền núi.
Cách phòng tránh bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh
Biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là tiêm phòng cho trẻ. Các gia đình phải tiêm đủ 3 mũi tiêm cho trẻ theo chương trình tiêm chủng. Mũi đầu tiên tiêm chủng khi trẻ 2 tháng tuổi, mũi hai khi bé đủ 3 tháng tuổi và mũi 3 khi bé đủ 4 tháng tuổi. Sau khi tiêm, bé có thể bị sốt nhẹ do chỗ tiêm bị nổi mẩn đỏ, sưng đau… bạn nên lưu ý chăm sóc cho bé. Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh dễ dàng lây qua đường hô hấp, truyền từ người sang người qua những hạt nước bọt nhỏ văng ra khi bệnh nhân ho hoặc qua dịch mũi. Do vậy khi thấy trẻ bị ho gà, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị ngay.
Theo DS Thu Giang