Tóm tắt nội dung
Việc trẻ em sử dụng chung các sản phẩm với người lớn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khỏe trẻ. Đây được coi là một trong những sai lầm phổ biến nhất hiện nay trong điều trị viêm đường hô hấp.
Vì sao lại như vậy? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu:
1. Chức năng chuyển hóa của trẻ chưa hoàn thiện
Trẻ em khác biệt rõ rệt với người lớn về chức năng các cơ quan trong cơ thể và con đường sinh hóa. Tỷ lệ mỡ/nước trong cơ thể trẻ khác biệt dẫn đến việc hấp thu thuốc khác rõ rệt so với người lớn. Gan, thận của trẻ cũng chưa hoàn thiện dẫn đến việc chuyển hóa, thải trừ thuốc phức tạp hơn, nguy cơ ngộ độc thuốc cũng cao hơn người trưởng thành.
Chính vì thế, theo các nhà chuyên môn, một bệnh nhi không thể an toàn nếu dùng thuốc dành cho người lớn. Tương tự, không thể suy ra liều của một đứa trẻ dựa vào liều của người lớn (ví dụ là trẻ 7kg cần 1/10 liều của người lớn 70kg).
Quan điểm hiện nay cho rằng chính khả năng, chức năng của từng cơ quan và sự phát triển của con đường sinh hóa mới là yếu tố quyết định lựa chọn thuốc và liều thuốc cho trẻ. Nói cách khác, trẻ em không thể điều trị như một người lớn thu nhỏ, trẻ em và người lớn cần sử dụng các loại thuốc riêng biệt.
2. Thuốc ho, cảm lạnh mang nguy cơ về sức khỏe cho trẻ <12 tuổi
Ba nhóm thuốc chính sử dụng trong điều trị ho, cảm lạnh là: Thuốc chống nghẹt mũi, thuốc kháng histamine và thuốc ho. Tác dụng phụ thường gặp của các nhóm này là gây khô dịch tiết, mất phản xạ ho, ứ đọng dịch đờm và có thể gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ.
Nghiên cứu của Trung tâm Phòng và Kiểm soát Bệnh tật của Mỹ (CDC) thực hiện năm 2007 cho thấy, trong khoảng thời gian 2004-2005, hơn 1.500 trẻ dưới 2 tuổi được đưa tới điều trị tại các phòng cấp cứu của Mỹ vì tác dụng phụ của thuốc ho và cảm. Các tai biến nguy hiểm nhất bao gồm nhịp tim nhanh, kém tỉnh táo, co giật, tử vong. Trong số các nạn nhân, cả 3 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi tử vong vì dùng thuốc cảm năm 2005 đều có nguyên nhân sử dụng thuốc quá liều do vô ý.
Cơ quan y tế Canada thậm chí đã đưa ra khuyến cáo: không sử dụng thuốc điều trị ho cảm cho trẻ dưới 12 tuổi.
Một số dược liệu trong thuốc ho đông dược dành cho người lớn có hoạt tính mạnh nhưng độc lực cũng rất cao như bán hạ, ma hoàng, khổ hạnh nhân. Không nên sử dụng cho trẻ em, vốn cơ thể còn yếu và khả năng chuyển hóa, thải trừ còn kém.
3. Nguyên nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp khác nhau
Trẻ em thường bị viêm đường hô hấp trên cấp tính với biểu hiện sổ mũi, ớn lạnh, sốt nhẹ, đau lưng, đau cơ và viêm họng. Nhóm bệnh này thường xuất phát từ cảm do phong hàn, phong nhiệt gây nên. Điều trị chứng ho do cảm mạo chủ yếu dựa trên nguyên tắc:
Điều trị bệnh ở giai đoạn sớm, tác nhân gây bệnh còn ở phía ngoài của cơ thể (bệnh tại biểu), xuất phát các triệu chứng như: sợ lạnh, phát sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, chảy mũi nước… Phương pháp điều trị chủ yếu là giải cảm, tán hàn.
Ở người lớn, thể ho biểu hiện chính là ho khan, ho lâu ngày. Theo lý luận Y học cổ truyền, ho mãn tính liên quan đến bất thường hoạt động của tạng phủ. Nguyên lý để điều trị ho mãn tính theo YHCT gồm: Dùng phương pháp bổ Tỳ/Thận, dưỡng phế và hoặc bình Can để điều hòa chức năng tạng Phế và các tạng phủ có liên quan.
Chính vì nguyên nhân gây bệnh chủ yếu khác nhau thì phương pháp điều trị viêm đường hô hấp cho trẻ em và người lớn không thể giống nhau.
4. Tần suất mắc bệnh viêm đường hô hấp
Tần suất mắc bệnh đường hô hấp của trẻ rất thường xuyên. Trung bình 1 trẻ bị viêm đường hô hấp (ho, hắt hơi, sổ mũi) tới 10 – 12 lần/ năm. Ít hơn rất nhiều so với người trưởng thành, thông thường chỉ bị 2-4 lần/ năm. Nguyên nhân chủ yếu do sức đề kháng của trẻ em còn yếu, kích thước đường thở nhỏ hẹp, vòi nhĩ ngắn và rộng lại nằm ngang nên trẻ em dễ bị tắc nghẽn đường hô hấp (nghẹt mũi, thở khò khè…) và viêm tai giữa.
Với tần suất mắc dày đặc như trên, bên cạnh hiệu quả, một sản phẩm điều trị viêm đường hô hấp cho trẻ em cần phải đề cao yếu tố giảm tái phát, an toàn khi sử dụng lâu dài.
Bệnh đường hô hấp là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ. Các mẹ cần tìm hiểu thông tin và có những lựa chọn đúng đắn khi sử dụng thuốc cho con, đảm bảo hiệu quả nhưng vẫn phải an toàn cho sức khỏe.
Dược sĩ Trần Lan Phương